Ngày 23/8/2015, CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Thương hiệu nông nghiệp hàng đầu Việt Nam vốn được nông dân biết đến rộng rãi và tin tưởng suốt 22 năm qua đang bắt đầu một cuộc chuyển hoá lịch sử với sứ mạng tiếp tục phục vụ nông dân.
Bắt đầu từ việc cung ứng các sản phẩm nông dược, sau 22 năm hoạt động, AGPPS đã dần hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp từ khâu nghiên cứu đến khâu sản xuất, tiêu thụ trên nhiều mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam như lúa gạo, cà phê…
“Sự chuyển đổi này trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững của Công ty trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, điều quan trọng là sự chuyển đổi này còn đem đến cho chúng tôi một tinh thần mới. Từ chỗ tìm cách tháo gỡ những khó khăn của người nông dân, Tập đoàn Lộc Trời sắp tới sẽ lấy tâm thế chủ động, dẫn dắt, tìm kiếm cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng của nền nông nghiệp và sức sáng tạo của người nông dân Việt Nam”, ông Huỳnh Văn Thòn nói về việc đổi tên doanh nghiệp.
Xuất thân từ một tỉnh nhỏ của ĐBSCL, bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, AGPPS đã từng bước trở thành người bạn thân thiết của bà con nông dân bằng chất lượng sản phẩm và chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Từ một doanh nghiệp nhỏ với doanh thu 13 tỷ đồng trong những năm đầu thành lập, năm 2015, AGPPS phấn đấu mức doanh thu 10.000 tỷ đồng, tiến tới mốc 1 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với đó, số tiền Doanh nghiệp nộp ngân sách hàng năm cũng không ngừng tăng lên, đạt mức gần 200 tỷ đồng/năm.
Từ đầu những năm 2000, Ban lãnh đạo công ty đã nuôi quyết tâm xây dựng AGPPS trở thành một tập đoàn tầm vóc với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững hàng đầu thế giới. 15 năm kể từ khi ý tưởng xây dựng tập đoàn được hình thành, AGPPS đã tiến những bước dài bền vững.
Năm 2006, Công ty bắt tay xây dựng Lực lượng 3 Cùng và triển khai chương trình Cùng nông dân ra đồng. Các kỹ sư 3 Cùng luôn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân trên khắp cả nước, đem đến những giải pháp khoa học tiên tiến giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản của nông dân Việt Nam.
Năm 2010, ngành Lương thực của công ty chính thức được khởi động. Những cánh đồng mẫu lớn được Công ty xây dựng trên khắp vùng ĐBSCL và Chuỗi giá trị lúa gạo đầu tiên của Việt Nam từng bước được định hình. AGPPS đã trở thành công ty dẫn dầu trong việc xây dựng Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, với 5 nhà máy chế biến gạo hiện đại, hơn 40.000 hộ nông dân tham gia sản xuất gạo chất lượng cao cùng sự đồng hành kỹ thuật của 1.325 kỹ sư nông nghiệp.
Đến nay, AGPPS đã trở thành nhà sản xuất, cung ứng dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học, chế biến lương thực, thực phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng sau lúa gạo…
Trò chuyện với ông Huỳnh Văn Thòn
Ông Huỳnh Văn Thòn
Ông có thể diễn giải triết lý 3T mà ông và các cộng sự đang thực hiện?
AGPPS hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, làm việc chủ yếu với người nông dân, theo tôi làm việc với nông dân phải có tình, thật lòng và xả thân. Chớ lấy bản hợp đồng với nông dân và những quy định pháp lý rạch ròi để xử lý công việc mà chỉ nên coi như một bản thỏa thuận phân công công việc, bên nào làm chưa xong, chưa hoàn thành thì nhắc nhau.
Có những vụ việc nông dân bể kèo, doanh nghiệp thưa kiện sẽ chắc thắng vì mình có tiền nhiều hơn, có thông tin nhiều hơn, hợp đồng do mình soạn ra nhưng thắng kiện rồi mình sẽ làm gì? Chế tài người nông dân là gì? Họ chỉ có đất và họ cũng không muốn bể kèo.
Khi doanh nghiệp làm quy mô lớn, từ 1.000 hecta đến 105 nghìn hecta, sẽ liên tục có những nông dân mới tham gia chuỗi giá trị, doanh nghiệp phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế luôn luôn nảy sinh những vấn đề mới, và phải chấp nhận tỷ lệ nào đó sự bất ổn. Có những trường hợp doanh nghiệp không thể giải quyết theo lý mà phải nương theo hoàn cảnh, vì người nông dân có những lúc con đau, vợ ốm, chứ bản thân người ta cũng không muốn thất hứa, vi phạm hợp đồng.
Làm việc có tình nhưng phải biết tính, dẫn dắt nông dân những cách làm mới, có hiệu quả cao để cuộc sống của họ sung túc hơn, có thu nhập cao hơn, họ sẽ tin và ủng hộ mình. Khi được người nông dân tin thì yếu tố pháp lý trở nên đơn giản.
Còn trong bất cứ việc gì, làm gì cũng phải có niềm tin. Khi có niềm tin, bạn sẽ làm hết sức mình mới có thể thành công.
Tại sao các ông lại quyết định đổi tên doanh nghiệp sau 22 năm gắn bó và tạo dựng được niềm tin với cái tên doanh nghiệp cũ?
Cái tên “bảo vệ thực vật” không còn bao hàm, đủ ý với các hoạt động của Công ty ngày nay. Bởi chúng tôi đặt ra nhiệm vụ sẽ tổ chức theo chuỗi giá trị để cùng với người nông dân đem những sản vật quý, an toàn, chất lượng của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, chè đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, thương hiệu “Bảo vệ thực vật An Giang” chúng tôi vẫn giữ, dành riêng cho ngành nông dược là ngành mũi nhọn của tập đoàn.
Đổi tên mới, triết lý kinh doanh của ông và Công ty có thay mới hay không?
Chúng tôi vẫn theo đuổi triết lý “Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý”. Trong mối quan hệ doanh nghiệp – nhà nông, nếu không thực hiện nguyên tắc “ăn đồng, chia đủ”, tôi cho rằng mối quan hệ hai bên sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.
Ông nhắc đến chuyện phát triển bền vững, có mâu thuẫn gì không khi DN bán thuốc bảo vệ thực vật có doanh thu càng lớn thì môi trường càng bị ảnh hưởng?
Phát triển bền vững luôn là kim chỉ nam trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của chúng tôi. Từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất và kinh doanh nông dược theo hướng hữu cơ sinh học bền vững, hướng dẫn nông dân qui trình canh tác tiên tiến, xay xát chế biến, tiêu thụ theo qui trình khép kín, tất cả đều phải lấy phát triển bền vững làm nền tảng.
Chính vì vậy, chúng tôi nỗ lực đầu tư các Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp (Định Thành, Đà Lạt…), xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật 3 Cùng để đưa qui trình canh tác tiên tiến xuống nông dân. Doanh thu không phải là tất cả, tăng doanh thu nhưng phải dựa trên nền tảng bền vững.
Năm rồi, Việt Nam nhập khẩu hàng trăm triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Với bấy nhiêu đó thuốc được sử dụng, mức độ ô nhiễm môi trường là rất lớn. Bởi vậy bên cạnh việc bán hàng, doanh nghiệp còn có trách nhiệm đào tạo, phổ biến kiến thức để bà con nâng cao ý thức sử dụng an toàn thuốc BVTV, áp dụng Công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, giảm số lần phun thuốc, giảm chi phí đầu tư.
Ngoài ra chúng tôi cũng đầu tư để áp dụng bán quota khí thải. Lâu nay, sau khi thu hoạch lúa, bà con thường đốt rơm, khói bụi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Nay rơm được cắt nhỏ, phun thuốc vào để làm thành phân hữu cơ. Từ đó Công ty và bà con được cấp quota khí thải và bán được quota này ra thị trường.
Chúng tôi vừa được tổ chức SRP (Diễn đàn nông nghiệp bền vững thế giới) kết nạp làm thành viên, do được đánh giá là đơn vị đang thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững qui mô lớn tại Việt Nam.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các bộ trưởng có tranh luận về vai trò của nhà doanh nghiệp trong chuỗi liên kết 4 nhà. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân có nhắc đến mô hình của AGPPS, có thể nhân rộng mô hình này dễ dàng không?
Từ xuất phát điểm làm thuốc bảo vệ thực vật, rồi đến làm giống cây trồng khi phát triển được đội ngũ chuyển giao kỹ thuật (lực lượng 3 Cùng), AGPPS mới làm ngành lương thực, giúp người nông dân làm theo yêu cầu, sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải những gì mình có sẵn.
Muốn làm chuỗi sản xuất cần có thời gian, như AGPPS để có thể dẫn dắt các khâu phải mất tới 3 năm, phải trải qua thời gian để doanh nghiệp và người dân đều có thể tin nhau, đồng hành với nhau. Xuyên suốt quá trình đó, tính chân thật và trung thực phải đặt lên hàng đầu. Nông dân đã đồng thuận với mình rồi thì “tát biển Đông cũng cạn”.
Có tình nhưng phải tính, có phải tính kỹ rồi nên các ông mới thay đổi chiến lược ban đầu từ 12 nhà máy gạo xuống chỉ còn 5 nhà máy?
Ban đầu chúng tôi dự định đầu tư ở mỗi vùng nguyên liệu một nhà máy, song thực tế triển khai cho thấy, để có đất xây dựng nhà máy, rồi đầu tư máy móc, con người và cả xây mới nhà máy đều rất tốn kém, vì thế chúng tôi quyết định phải thay đổi. Công ty sẽ nâng cấp các nhà máy hiện nay để có công suất chế biến gấp đôi, gấp ba thay vì xây mới. Trong kinh doanh, tôi cho rằng cần phải thích ứng, không thể duy ý chí được.
Sản xuất lương thực người ta vẫn nhắc đến rủi ro không tiêu thụ được ở hàng đầu, trên cả những rủi ro như thiên tai… Cứ phát triển mãi các cánh đồng mẫu lớn hay đến một lúc nào đó AGPPS sẽ dừng lại?
Tập đoàn đã xây dựng chiến lược và tầm nhìn 30 năm. Trong lĩnh vực lương thực, năm nay, chúng tôi dự kiến phát triển vùng nguyên liệu đến quy mô 105.000 hecta. Hiện nay gạo Hạt ngọc trời đã xuất khẩu sang 36 nước, song mới đây, chúng tôi cũng đã có những cuộc làm việc với đối tác Trung Quốc, Phillippine… để bàn những đơn hàng lớn. Trong thời gian tới, vùng nguyên liệu của chúng tôi sẽ chỉ sản xuất theo các đơn đặt hàng.