Với nỗ lực triển khai tiêm vắc-xin của Chính phủ đang được thực hiện khẩn trương, các chuyên gia dự kiến dịch sẽ được kiểm soát vào cuối quý III/2021 và tiến tới miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022. Đây được xem là một điểm tích cực cho triển vọng của nền kinh tế và ngành Ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.
Vươn lên nhờ nền tảng vững
Dù trong bối cảnh 6 tháng đầu năm vẫn còn nhiều áp lực nhất định từ những khó khăn từ quá khứ cũng như tình hình dịch bệnh phức tạp, lợi nhuận trung bình các ngân hàng niêm yết đã có mức tăng trưởng rất tốt lên đến khoảng 60%. Về mặt khách quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh phức tạp đã ảnh hưởng nền kinh tế, do đó dễ hiểu trên nền so sánh thấp thì có nhiều doanh nghiệp trong đó có cả ngân hàng ghi nhận kết quả rất tốt.
Đối với nguyên nhân nội tại, các nhà phân tích ghi nhận khả năng quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với chu kỳ tín dụng trước đây. Bên cạnh đó, nỗ lực chuyển đổi số và kiểm soát chi phí của ngành ngân hàng đã cho quả ngọt khi theo thống kê, mức chi phí quản lý/thu nhập ngân hàng đã giảm mạnh từ 2017 và cũng không thể không kể đến danh mục sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng đã tăng cường cho mảng thu nhập từ phí của các ngân hàng.
Môi trường lãi suất thấp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì từ năm 2020 cho đến nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch được dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2021, tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục duy trì được lợi thế chi phí vốn thấp duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh phải tăng cường trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu do ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5 - 1% nhằm hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo chia sẻ, các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục chính sách này trong nửa cuối năm, do đó NIM (net interest margin - biên lãi thuần) của các ngân hàng có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì được chi phí huy động thấp sẽ giúp kết quả kinh doanh của các Ngân hàng tiếp tục khả quan, dù được kỳ vọng sẽ không có sự tăng trưởng mạnh mẽ như cùng kỳ năm 2020.
Chất lượng tài sản cũng được cho là một trong những yếu tố quan trọng cần phải xem xét vì nó liên quan đến chất lượng thu nhập trong tương lai của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong nửa đầu năm giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2020 nhờ việc các ngân hàng chủ động ghi nhận giảm nợ xấu trong kỳ nhờ bộ đệm trích lập dự phòng có được trong năm 2020 cũng như kết quả kinh doanh khả quan trong kỳ.
Đồng thời, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ và giảm nợ, giảm lãi cho các khách hàng. Trong nửa cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ do ảnh hưởng của đại dịch tuy nhiên chính sách chủ động trích lập dự phòng nhằm giảm áp lực cho những năm sau và kết quả kinh doanh được kỳ vọng tiếp tục khả quan một phần nhờ việc tiết kiệm chi phí do hệ thống ngân hàng vẫn duy trì được các hoạt động bình thường trên nền tảng điện tử.
Tất cả nghiệp vụ chính, các kênh đầu tư hay mảng dịch vụ trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ vẫn có cơ hội và hoạt động bình thường. Việc tiết kiệm chi phí sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với các NHTM có mũi nhọn công nghệ như VPBank khi chi phí giao dịch trên nền tảng số có thể chỉ bằng 2 - 3% chi phí truyền thống. Điều này được kỳ vọng giúp các ngân hàng đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Những cơ hội nổi bật
Trong bức tranh kết quả kinh doanh chung của ngành ngân hàng nửa đầu năm 2021, khối NHTM cổ phần đang cho thấy sự tích cực hơn so với khối NHTM Nhà nước với tăng trưởng tín dụng cao điển hình như TCB, MBB, ACB, TPB, VIB… cùng với lợi nhuận tăng trưởng và chất lượng tài sản cải thiện rõ rệt.
NIM của hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh nhờ chi phí vốn thấp, cộng với tăng trưởng tín dụng cao giúp cho lợi nhuận của khối NHTM cổ phần tăng mạnh và giúp gia tăng các chỉ số thuộc nhóm hiệu quả hoạt động như ROE.
Trong giai đoạn từ 2012 đến 2016, mức trung bình ROE các NHTM khoảng 10,5 - 12%. Tuy nhiên gần đây các ngân hàng thương mại niêm yết đã có mức tăng trưởng vượt trội về ROE và có thể đạt gần 20% và đặc biệt có những Ngân hàng có thể đạt trên 25% như VPBank.
Trong số các NHTM cổ phần, VPBank được xem là ngân hàng tăng trưởng và giá trị lớn nhất với các chỉ tiêu sinh lợi vượt trội, chất lượng tài sản được bảo đảm cùng với những thành quả về tiên phong số hoá và chuyển đổi số đã giúp ngân hàng quản lý được chi phí và gia tăng lợi nhuận. Giá trị và tăng trưởng của VPBank đến từ 4 yếu tố chính
Thứ nhất, mô hình kinh doanh khác biệt tạo nên hiệu quả cao: Là Ngân hàng duy nhất phục vụ tất cả các phân khúc từ cận phổ thông (lower mass) đến nhóm khách hàng ưu tiên đối với Khách hàng cá nhân, từ tiểu thương, SME vi mô đến khách hàng doanh nghiệp lớn cho mảng doanh nghiệp. Cho tới nay, VPBank và Công ty con FE Credit chiếm tới hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng của Việt Nam và có được lợi suất (NIM) hơn 9%, cao hơn 02 lần mức NIM bình quân của ngành khoảng 4,5 - 6%.
Thứ hai, tiên phong chiến lược số hóa toàn diện: Chiến lược số hóa của VPBank tập trung vào 3 mũi nhọn chính là số hóa ngân hàng hiện tại; xây dựng nền tảng số phục vụ khách hàng chuyên biệt; và mở rộng hệ sinh thái nhằm mở rộng số lượng tập khách hàng và gia tăng giá trị cho người sử dụng.
Thứ ba, tạo ra giá trị nhiều nhất - nhanh nhất cho cổ đông nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả. Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhờ những bước chuyển đổi không ngừng, kiên định với chiến lược tập trung vào bán lẻ, VPBank đã vươn lên vững chắc và trở thành một trong những ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu Việt Nam. VPBank ngày càng lớn mạnh và thực sự bứt tốc trong 5 năm trở lại đây. Các chỉ tiêu quy mô và hiệu quả tăng từ gần 3 đến 4 lần. ROE luôn ở top đầu thị trường và ở trên mức 20%.
Thứ tư, kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2021, củng cố vị thế hàng đầu của VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9 nghìn tỷ, hoàn thành 54% kế hoạch năm, đứng vị trí thứ 4 toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 trong khối tư nhân trong các năm gần đây. ROE đạt 25,7%, ROA đạt 3,3% thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cho thấy hiệu quả vượt trội của VPBank.