Sức hấp dẫn của cổ phiếu khi lên sàn
Ngày 23/11/2018, 41,3 triệu cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 68.000 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên chào sàn, mã chứng khoán này đã tăng giá trần lên 95.200 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng trong 3 phiên sau đó, đạt 123.600 đồng/cổ phiếu. Hai phiên cuối tháng 11, giá cổ phiếu VTP giảm giá nhẹ, đóng cửa tại 121.500 đồng/cổ phiếu.
Thị phần trong ngành chuyển phát nhanh.
Hoạt động trong ngành logistics, song không giống các dooanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán, Viettel Post có doanh thu chính đến từ mảng chuyển phát nhanh, được Tổng công ty hướng đến là hoạt động kinh doanh chiến lược, thay cho dịch vụ bưu chính truyền thống. Mảng này đóng góp 68% doanh thu thuần và 97% lợi nhuận gộp năm 2017.
Trong quý III/2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Viettel Post lần lượt tăng 24% và 57% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng công ty ghi nhận doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 193 tỷ đồng. Doanh nghiệp tăng cường sử dụng vốn vay để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh nên vay nợ tài chính ngắn hạn tính đến cuối quý III ở mức 601 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm.
Một số ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu VTP tăng mạnh là do sức hấp dẫn từ vị thế và tiềm năng của doanh nghiệp trong ngành. Riêng về thị phần, Viettel Post đang chiếm thị phần lớn thứ hai trong ngành, sau Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và có mức tăng trưởng nhanh nhất trong ngành, từ thị phần 8% năm 2010 lên 25,7% năm 2017 nhờ chiến lược “Mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”.
Trong mảng giao nhận, sự cạnh tranh đang trở nên ngày càng gay gắt. Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, hiện có hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ trong ngành bưu chính và chuyển phát nhanh, với quy mô thị trường ước tính đạt 472 triệu USD, trong đó 104,5 triệu USD từ lĩnh vực vận chuyển dành riêng cho kênh thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp trong ngành chia thành 4 nhóm: doanh nghiệp bưu chính truyền thống, startup giao nhận, doanh nghiệp logistics quốc tế và các đơn vị chuyển phát tự do. Trong đó, VNPost và Viettel Post - 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành có mạng lưới lớn, hạ tầng mạnh, thực hiện chuyển phát trên toàn quốc.
So với các nhóm còn lại, Viettel Post có ưu thế hơn về quy mô, quản trị lẫn tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã mở rộng quy mô hoạt động ra ngoài nước, hiện diện tại thị trường Campuchia, Myanmar.
Về quy mô, sau 20 năm hoạt động, Viettel Post hiện có 1.300 bưu cục trên cả nước, với 17.000 cán bộ, công nhân viên và hơn 500 xe ô tô các loại phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm. Mới đây, Tổng công ty đã tiếp nhận và triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính tại 1.000 cửa hàng trực tiếp và hơn 6.000 điểm giao nhận, nhanh chóng đuổi kịp VNPost.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, mục tiêu của Tổng công ty là trở thành doanh nghiệp logistics số 1 dành cho bán hàng ở Việt Nam, với 5 tỷ USD doanh thu và thị phần 30 - 37% vào năm 2020.
Chuyên gia phân tích tại VNDIRECT đánh giá, mục tiêu của Viettel Post khá tham vọng, bởi doanh nghiệp sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 58,3%/năm để đạt được kế hoạch. Mức này khá cao khi so với dự đoán tăng trưởng của toàn ngành. Thay vào đó, mức tăng trưởng của VTP nhiều khả năng là 48,6%/năm.
Triển vọng thị trường giao nhận
Đánh giá về thị trường chung, Viettel Post cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ, tạo điều kiện cho dịch vụ chuyển phát dần chuyển dịch sang xu hướng phục vụ cho thương mại điện tử.
Các trang thương mại điện tử nhận được nhiều sự hưởng ứng, tạo cơ hội và sự cạnh tranh gay gắt trong dịch vụ chuyển phát từ những nhà cung cấp dịch vụ truyền thống đến những công ty startup như Giaohangnhanh, Supership, Giaohangtietkiem, tới những công ty đa quốc gia như DHL, Grab Express, Lazada Express.
Dự báo tăng trưởng ngành bán lẻ.
Tuy cạnh tranh gay gắt, song đây cũng là thị trường có lượng cầu lớn và tốc độ phát triển ổn định. Riêng mảng bán lẻ phi chính thức bao gồm bán hàng online khách hàng đến khách hàng (C2C) và các cửa hàng nhỏ lẻ đều có điểm hạn chế trong việc tự giao hàng, nên gần như phải phụ thuộc vào các đơn vị giao hàng độc lập. Như Viettel Post, số lượng đơn hàng qua kênh bán hàng phi chính thức chiếm tỷ trọng khá lớn trong doanh thu dịch vụ giao nhận.
Theo Euromonitor, tổng giá trị bán lẻ nội địa đạt tăng trưởng kép 11,3% giai đoạn 2013 - 2017, nhờ thu nhập bình quân cải thiện và tầng lớp trung lưu gia tăng. Giá trị bán lẻ qua kênh phi cửa hàng tăng vượt trội so với bán lẻ qua kênh cửa hàng trong cùng kỳ, với mức tăng trưởng kép 20,3%, do thương mại điện tử bùng nổ và các dịch vụ giao nhận dành cho các nhà bán lẻ truyền thống và cửa hàng nhỏ phát triển. Các dịch vụ giao nhận và kho vận đều được hưởng lợi từ xu hướng này.
Dự báo, tổng giá trị thị trường bán lẻ không qua cửa hàng đạt mức tăng trưởng kép 33% trong giai đoạn 2018 - 2022. Theo Ken Research, ngành vận tải và giao nhận dành cho các sàn thương mại điện tử hưởng lợi sẽ đạt được mức tăng trưởng 42%.