Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhà đầu tư ngoại sẽ tự tin giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, giúp thị trường vốn thể hiện rõ nét hơn vai trò của kênh dẫn vốn hữu hiệu cho nền kinh tế.
Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra về việc được nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 là hoàn toàn có thể đạt được. Ảnh: Đức Thanh

Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra về việc được nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 là hoàn toàn có thể đạt được. Ảnh: Đức Thanh

Nếu thấy tiến trình nâng hạng rõ ràng, nhà đầu tư sẽ tích cực giải ngân trước

Câu chuyện nâng hạng thị trường được nhắc đến liên tục hơn chục năm qua, nhưng giai đoạn này, giới đầu tư cả trong và ngoài nước kỳ vọng “cơ hội đang đến gần”, nhất là sau Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, trong đó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Đại diện Dragon Capital (công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc quảng bá cơ hội ở thị trường Việt Nam, cũng như dẫn vốn ngoại vào thị trường) cho rằng, nhà đầu tư luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam. Họ theo dõi vị thế, vai trò của Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu, cùng sự tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong những năm gần đây.

Theo đại diện Dragon Capital, nhà đầu tư đang cần một dấu mốc để giải ngân mạnh vào thị trường Việt Nam và nâng hạng có thể là một trong những sự kiện quan trọng mà các quỹ lớn đang theo dõi rất sát. Trong trường hợp nhìn thấy triển vọng và tiến độ rõ ràng, họ sẽ tích cực giải ngân trước (pre-position). Vì vậy, nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng hạng trong năm 2025, thì triển vọng thu hút vốn ngoại trong 2 năm tới sẽ khá sáng.

“Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell dự kiến là bước đầu để Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI trong tương lai”, đại diện Dragon Capital cho biết.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC - đơn vị top đầu về thị phần khách hàng tổ chức, định kỳ tổ chức Hội nghị đầu tư Emerging Việt Nam với sự tham dự của hàng trăm quỹ đầu tư) nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư về mức độ khả thi cũng như tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc nâng hạng chắc chắn tác động rất tích cực đến dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

“Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư lớn có manadate đầu tư cho thị trường mới nổi rất quan tâm đến Việt Nam nhưng chưa đầu tư được. Ngay khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng, chỉ một phần nhỏ (1-2%) các quỹ phân phối vào thị trường Việt Nam cũng là một con số ấn tượng”, ông Trần Tấn Đạt, Giám đốc Điều hành Khối Khách hàng tổ chức của HSC nói.

Dragon Capital nhận định, lộ trình và mục tiêu mà Chính phủ đặt ra về việc được nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 là hoàn toàn có thể đạt được. Dự kiến, Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp theo phân loại của FTSE.

Theo tính toán của Dragon Capital, đang có khoảng 700 - 800 tỷ USD đầu tư vào nhóm thị trường này và dự kiến tỷ trọng của Việt Nam sẽ dao động khoảng 0,22-0,24%, tương đương khoảng 1,5 - 1,9 tỷ USD tiền đầu tư. Số tiền này sẽ được đầu tư dàn trải trong 6 tháng sau khi quyết định nâng hạng thị trường Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI (công ty chứng khoán liên tục duy trì vị thế hàng đầu về thị phần môi giới khách hàng tổ chức) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell cho vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi từ năm 2018 và đến nay vướng mắc lớn nhất chỉ còn là xử lý vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. Việc nâng hạng của Việt Nam do đó chịu ảnh hưởng lớn từ việc khi nào Việt Nam sẽ đưa ra được giải pháp cho vấn đề này.

Về thời gian, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức của SSI nhận định, Việt Nam cần thêm thời gian để đưa vào áp dụng các giải pháp loại bỏ giao dịch ký quỹ và nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp này sau khi triển khai. Do đó, khả năng lớn nhất là Việt Nam có thể được FTSE Russell xét nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.

Trong năm 2024, SSI tin rằng, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tích cực hơn các năm trước, do một số yếu tố hỗ trợ chính: triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có sự phục hồi rõ ràng so với năm 2023, giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài; kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán; dòng tiền dịch chuyển sang các thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô khá ổn định và các câu chuyện khác về đầu tư nước ngoài hay hoạt động đầu tư công mạnh mẽ của Chính phủ cũng là những điểm sáng để thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam trong năm nay.

Câu hỏi thường gặp về xếp hạng và biến động thị trường

Đại diện Dragon Capital cho biết, theo phân loại thị trường, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm thị trường cận biên, chưa phải là thị trường mới nổi. Quy định đầu tư của nhiều quỹ đầu tư lớn là chỉ đầu tư vào các thị trường mới nổi. Vì vậy, dù rất tin vào câu chuyện Việt Nam, nhưng họ có thể hoặc không được phép đầu tư, hay chỉ được đầu tư với tỷ trọng rất nhỏ.

Bên cạnh đó, biến động của thị trường Việt Nam vẫn khá lớn, mà nguyên nhân là tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm chủ đạo, gần 85% tổng thanh khoản thị trường. Vì vậy, nếu phát triển hơn nữa hạ tầng, hệ sinh thái, sản phẩm cho thị trường vốn, có những chương trình nâng cao hiểu biết, kiến thức tài chính của các nhà đầu tư cá nhân, thì độ sâu của thị trường chắc chắn sẽ được cải thiện. Điều này góp phần xây dựng niềm tin dài hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

SSI đã làm việc với trên 400 tổ chức đầu tư nước ngoài đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đến từ rất nhiều thị trường khác nhau như Mỹ, châu Âu (Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sỹ…), và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia…). Riêng trong năm 2023, SSI tổ chức trên 600 cuộc họp (cả trực tiếp và trực tuyến) giữa doanh nghiệp niêm yết và các tổ chức đầu tư nước ngoài và 3 hội thảo đầu tư lớn để giúp dẫn vốn ngoại vào Việt Nam một cách có hiệu quả.

Ông Đức Anh thường xuyên trao đổi cùng các quỹ đầu tư nước ngoài về khẩu vị đầu tư cũng như các vấn đề quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, khẩu vị đầu tư của họ rất đa dạng, nhưng kỳ vọng chung là mong muốn Chính phủ tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán với định hướng công bằng, công khai, minh bạch và tinh thần là các bên cùng có lợi, để nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn và dài hạn.

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều có tầm nhìn dài hạn trong hoạt động đầu tư (3-5 năm). Do đó, các yếu tố như môi trường vĩ mô, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, triển vọng kinh doanh… là các vấn đề họ quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán (cơ chế giao dịch, cơ chế thanh toán bù trừ, tỷ giá hối đoái, tính minh bạch và công bằng của thị trường…) cũng là các yếu tố họ khá quan tâm.

Tất cả những cải thiện của Việt Nam về các vấn đề trên đều được nhà đầu tư nước ngoài đón nhận một cách tích cực. Dĩ nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng có những e ngại. Vấn đề về thanh tra hoạt động của một số doanh nghiệp gần đây hoặc những rủi ro về môi trường kinh doanh (trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu…) là các băn khoăn lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm hiện tại.

HSC cũng có sự tương tác thường xuyên với khối nhà đầu tư nước ngoài. Ông Trần Tấn Đạt cho biết, khối ngoại quan tâm tới phân tích Top down (ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường chính trị để tăng trưởng bền vững), các thương vụ IPO và niêm yết cổ phiếu trong những năm gần đây, phát triển hạ tầng và các quy định/chính sách hỗ trợ dòng vốn nước ngoài.

Tin bài liên quan