Kinh doanh dần khởi sắc
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 13.036 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, thực hiện 72,8% kế hoạch cả năm; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1.448 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng ước đạt 490 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ và đạt 89,1% kế hoạch cả năm.
Theo Vinatex, với ngành dệt may, năm 2024 có điểm khác biệt lớn so với năm 2023 là, sau mỗi quý, thị trường lại chuyển biến thuận lợi hơn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD, nhưng sau đó, bất ổn chính trị tại Bangladesh và Myanmar - hai đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường xuất khẩu dệt may - đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho ngành dệt may Việt Nam.
Không chia sẻ số liệu cụ thể, song Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) khẳng định Công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, TNG đặt mục tiêu lợi nhuận 310 tỷ đồng, cao hơn 4,1% so với thực hiện của năm 2023.
“Chúng tôi tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, sản lượng đơn hàng tăng trưởng khả quan. Hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu năm sau tăng trưởng hơn năm trước 5 - 10% về doanh thu”, đại diện TNG cho hay.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) cho biết, dự kiến, trong quý III/2024, Công ty đạt doanh thu hơn 43,28 triệu USD (tương đương khoảng 1.064 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 3,2 triệu USD (tương đương gần 80 tỷ đồng). Mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 20% và 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, thông tin về kết quả kinh doanh tháng 8 và 8 tháng đầu năm, TCM cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 107 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 68% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 118% kế hoạch cả năm.
Về tình hình đơn hàng, TCM cho biết, hiện Công ty đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2024. Năm nay, TCM đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.707 tỷ đồng (157,7 triệu USD), lợi nhuận sau thuế đạt 161,2 tỷ đồng (6,68 triệu USD), lần lượt tăng 12% và tăng 21% so với mức thực hiện năm 2023. Với tình hình tiếp nhận đơn hàng tích cực trong quý cuối năm, TCM kỳ vọng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.
Hiện thị trường châu Á đóng góp 69,6% trong cơ cấu doanh thu của TCM. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 31,95%, thị trường Nhật chiếm 11,94%, Trung Quốc chiếm 17,02%, Việt Nam chiếm 6,37%. Thị trường châu Mỹ đóng góp 24,1% doanh thu xuất khẩu của TCM; trong đó, thị trường Mỹ chiếm 20,5%. Thị trường châu Âu chiếm 5,6%; trong đó, thị trường Anh chiếm 4,37%.
Bên cạnh xuất khẩu những sản phẩm truyền thống, Công ty đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là phát triển thêm những sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế và có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng dư địa gia tăng doanh thu xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.
Tại Công ty cổ phần May 10 (M10), Tổng giám đốc Thân Đức Việt tự tin với khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 mà đại hội đồng cổ đông giao phó. Đơn hàng của May 10 hiện rất dồi dào.
Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) dự phóng doanh thu của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) năm 2024 có thể đạt 4.877 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thực hiện của năm 2023; lợi nhuận trước thuế có thể đạt 308 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với thực hiện 2023.
Động lực tăng trưởng mới
Tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước nhìn chung khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia.
Bangladesh vốn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may, Giá nhân công rẻ từng là lợi thế lớn của quốc gia này trong sản xuất hàng may mặc, tuy nhiên, lo ngại bất ổn chính trị tại Bangladesh đã khiến nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch đơn hàng từ Bangladesh sang Việt Nam nhưng sự chuyển này chưa thể diễn ra đồng loạt ngay lập tức. Doanh nghiệp Việt Nam có một số lợi thế nhất định và hoàn toàn có thể đón nhận thêm những đơn hàng mới, bởi trong ngắn hạn, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút ngay giai đoạn cao điểm sản xuất quần áo mùa Thu - Đông. Các nhà mua hàng sẽ phải tính toán để dịch chuyển sang các nước khác sản xuất phần thiếu hụt. Tuy nhiên, lượng đơn hàng dịch chuyển thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất của các đơn hàng và đối tác. Để có sự chuyển dịch lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Trong khi đó, theo Vinatex, để có sự bứt phá dài hạn, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh vận hành được ổn định.
Còn theo đại diện TNG, chu kỳ của một đơn hàng dệt may thường kéo dài từ 3 - 4 tháng, nên sự chuyển dịch đơn hàng từ Bangladesh sang Việt Nam sẽ có lộ trình và có thể bắt đầu ghi nhận từ quý I, quý II/2025.
Không chỉ hồi phục so với giai đoạn trước, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đang đứng trước cơ hội tăng trưởng đột phá.