Dữ liệu của Công ty tư vấn Willis Towers Watson (WTW) cho thấy, số thương vụ M&A có giá trị trên 100 triệu USD/thương vụ trong quý III đạt 151, tăng 16% so với quý II. Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng mới nhất về số lượng trong hoạt động này, các giao dịch lớn - trị giá hơn 1 tỷ USD - tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm kể từ năm 2021, với 32 giao dịch được hoàn tất trong quý III. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022 và 2021, lần lượt có 50 và 67 giao dịch lớn được hoàn thành.
Ông Jana Mercereau, Giám đốc Tư vấn M&A Doanh nghiệp, WTW nhận định: “Lãi suất tăng dẫn đến chi phí tài chính cao hơn, yêu cầu giám sát chống độc quyền gia tăng và thái độ thận trọng hơn từ những người cho vay đã dẫn tới tốc độ chậm chạp của các giao dịch lớn”.
“Mặc dù còn quá sớm để khẳng định sự trở lại của hoạt động M&A, nhưng diễn biến phục hồi gần đây về khối lượng giao dịch giữa các khu vực cho thấy nhu cầu bị dồn nén. Hoạt động M&A được dự đoán sẽ tiếp tục cải thiện trong quý cuối năm 2023”, ông Jana Mercereau nói.
Ông Jens Kengelbach, người đứng đầu Bộ phận M&A toàn cầu của Boston Consulting Group chia sẻ: “Chúng tôi tương đối lạc quan về triển vọng M&A năm 2024, vì hoạt động giao dịch có dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn”.
Trong lịch sử, M&A có xu hướng chậm lại trong thời kỳ kinh tế biến động hoặc không chắc chắn, nhưng đó thường là thời điểm mà việc định giá trở nên hấp dẫn hơn và các cơ hội mới bắt đầu xuất hiện.
Theo các chuyên gia của S&P Global, hoạt động M&A trầm lắng trong hầu hết năm 2023, nhưng nhiều chất xúc tác khác nhau có khả năng thúc đẩy các nhà giao dịch nhập cuộc vào năm 2024. Đó là các yếu tố bao gồm ổn định về tỷ giá, nhu cầu bị dồn nén thúc đẩy hợp nhất hoặc thoái vốn trong một số ngành nhất định.
Hiện tại, có một số góc nhìn đáng chú ý về xu hướng năm 2024.
Thứ nhất, sự trở lại của các công ty tư nhân. Các công ty tư nhân thường dựa vào đòn bẩy để thực hiện giao dịch. Triển vọng dễ chịu hơn đối với thị trường nợ sẽ thúc đẩy các nhà tài trợ tài chính quay lại trò chơi M&A.
Thứ hai, việc thiếu các cơ hội rút lui là nguyên nhân khiến M&A vốn cổ phần tư nhân bị chậm lại. Sự sôi động trên thị trường IPO sẽ thúc đẩy M&A, khi các nhà đầu tư thấy triển vọng có thể thoái vốn khả thi hơn.
Thứ ba, triển vọng kinh tế rõ ràng hơn và việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sẽ tạo động lực cho hoạt động M&A tăng trưởng. Dù vậy, hoạt động giám sát chống độc quyền, nhất là tại Mỹ, vẫn là một rào cản tiềm tàng. Thái độ thận trọng hơn đối với giao dịch có thể kéo dài sang năm 2024, nhưng một số ngành có tiềm năng hấp dẫn giao dịch bao gồm công nghệ mang lại năng suất và hiệu quả cao, tự động hóa công nghiệp và trí tuệ nhân tạo.
Một nghiên cứu mới của EY tái khẳng định, M&A là một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất để cải thiện tổng lợi nhuận của cổ đông (TSR) và giá trị doanh nghiệp (EV), ngay cả trong thời kỳ suy thoái, sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế.
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra mối tương quan tích cực giữa M&A và tăng trưởng về giá trị doanh nghiệp, cũng như tổng lợi nhuận của cổ đông.
Nghiên cứu của EY đã xem xét hoạt động M&A của các công ty đại chúng trên toàn cầu trong giai đoạn 2019 - 2022. Bộ dữ liệu thu được bao gồm gần 8.000 công ty đại chúng và 23.000 giao dịch M&A, trải rộng trên 11 ngành, trên tất cả các khu vực địa lý chính.
Kết quả cho thấy, tính trung bình, những người mua tích cực (bên thực hiện M&A) đạt được giá trị doanh nghiệp cao hơn khoảng 3 lần so với những người không mua và cao hơn 1,6 lần so với những người mua không thường xuyên. Đồng thời, những người mua tích cực có TSR cao hơn khoảng 2 lần so với những người không mua.
Một công ty càng mua lại nhiều thì tốc độ tăng trưởng càng cao. Trong khi những người không mua có mức tăng trưởng tương đối trì trệ trong giai đoạn phân tích, thì những người mua tích cực có tốc độ tăng trưởng EV và TSR cao hơn đáng kể. Trung bình mỗi “khối” gồm 5 thương vụ mua lại liên tiếp sẽ thúc đẩy tăng trưởng EV và TSR thêm 2,35%.
Trong môi trường không chắc chắn, các giao dịch quy mô nhỏ và vừa nhiều khả năng thành công hơn các giao dịch lớn. Các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh và quy trình M&A được thiết lập tốt sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh. Các giao dịch lớn đặc biệt có khả năng xảy ra trong các ngành khoa học đời sống, năng lượng và tiện ích, vì các ngành này chịu tác động lớn bởi các xu hướng như số hóa, khử cacbon và đổi mới công nghệ.
Đáng chú ý, các thương vụ M&A xuyên biên giới đang trở nên phổ biến hơn đối với các công ty tập trung vào tăng trưởng. Trên khắp thế giới, các nhà đầu tư ưa chuộng các công ty có cam kết về hoạt động quản trị, xã hội và môi trường, cũng như các giá trị đạo đức rõ ràng.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2023
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào ngày 28/11/2023.
Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách mời tham dự và cùng nhau thảo luận về các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.
Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp, nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.
Một điểm nhấn khác là khách tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.
Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 507455