Năm 2025, các ngân hàng được tự xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động

Năm 2025, các ngân hàng được tự xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc năm tài chính 2024, hầu hết ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu kinh doanh đề ra và kỳ vọng tình hình năm nay khởi sắc hơn, nhờ tín dụng tăng, biên lãi ròng cải thiện...

Kỳ vọng lợi nhuận tăng 10 - 25%

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra ở mức 16%, cao hơn 1% so với năm 2024 và giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng có thể tăng 15 - 16%.

Với tín dụng năm nay được nhận định tích cực hơn khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Chẳng hạn, năm 2025, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến tăng 14%. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%. Lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng 6 - 10%.

Giám đốc Tài chính HDBank Phạm Văn Đẩu chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời, HDBank sẽ tiếp nối truyền thống trả cổ tức cao và đều đặn như kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Tại MB, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2025 tăng 22%, từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 26%, đạt trên 1 triệu tỷ đồng; huy động vốn tăng 25%; lợi nhuận trước thuế tăng 8 - 10%; tỷ lệ nợ xấu không quá 1,7%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết, Ngân hàng sẽ dành ít nhất 50% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần còn lại tập trung vào doanh nghiệp lớn. MB cũng sẽ gia tăng quy mô thị phần, chuyển dịch bán lẻ; tăng cường chuyển đổi số, dự kiến doanh thu kênh số đóng góp xấp xỉ 40% tổng doanh thu; doanh thu bán chéo phấn đấu tăng 30%; đồng thời tăng cường quản trị rủi ro, triển khai ESG toàn diện…

MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 có thể đạt 15 - 16%, khi nhu cầu tín dụng từ các ngành sản xuất và thương mại gia tăng. Các ngân hàng như VietinBank, Techcombank và HDBank được kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ sự cải thiện của thu nhập ngoài lãi. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của VietinBank dự kiến tăng 26,2%, nhờ thu nhập lãi thuần ước tăng 24,9% và thu nhập ngoài lãi tăng 18,5%, nợ xấu có thể giảm xuống dưới 1,2%. Lợi nhuận sau thuế của HDBank dự kiến tăng 29,7%, nhờ thu nhập ngoài lãi ước tăng 47,4% và tín dụng tăng 24,7%. Techcombank cũng được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao.

Tuy nhiên, biên lãi ròng khó tăng mạnh do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, trong khi lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp vì áp lực thanh khoản và tỷ giá. Tiềm năng mở rộng biên lãi ròng sẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.

Trong bối cảnh biên lãi ròng dự báo nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng có thể đạt 14 - 15%, lợi nhuận ngành này được dự báo tăng 10 - 20% trong năm 2025, song tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm nay, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động dự kiến tăng 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn nhiều khả năng sẽ chứng kiến lợi nhuận tăng ở mức khiêm tốn là 8%.

SSI nhận định, biên lãi ròng ngành ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa khối quốc doanh, ước đạt 2,77% (tăng 0,05%) và khối cổ phần, ước đạt 4,24% (giảm 0,07%); lợi nhuận trước thuế toàn ngành dự kiến tăng 17,4%.

Khi tín dụng tăng

Năm nay, nếu ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế sẽ đạt hơn 18,1 triệu tỷ đồng, tức tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô cải thiện hơn trong năm 2025, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 16%. Dư địa tăng trưởng có thể đến từ ngành công nghệ, thương mại, sản xuất và các công ty FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công dự kiến cao trong năm nay sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, nhu cầu tín dụng có thể tập trung vào ngành xây dựng và bất động sản. Hiện các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng mới và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy dòng vốn ra thị trường. Nếu ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế sẽ đạt hơn 18,1 triệu tỷ đồng, tức tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng. Các động lực sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.

Trong năm 2025, lãi suất huy động được PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định sẽ đi ngang, khi ngành ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tín dụng, còn lãi suất cho vay có thể duy trì ở mức thấp đến giữa năm theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế, song có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, NHNN sẽ duy trì các mức lãi suất chính sách như hiện nay (lãi suất điều hành 4,5%/năm), trong một chính sách tiền tệ trung hòa.

Mới đây, NHNN đã ban hành công văn về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đối với các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2025, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. Các ngân hàng tự xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động. NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho dòng vốn chảy vào sản xuất và nhà ở xã hội. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước khi mà NHNN không giao chỉ tiêu tín dụng “cứng” cho từng ngân hàng, giúp các ngân hàng có năng lực có điều kiện tăng trưởng cao.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, theo cách tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN, Ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2025, tương ứng với việc sẽ có khoảng 230.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận vốn, ngay từ đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, khách hàng lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức giảm lãi suất dao động từ 1,2 - 1,8%/năm, tùy đối tượng. Ngoài ra, Agribank dành gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng cho phân khúc khách hàng cá nhân.

Các chuyên gia SSI kỳ vọng, với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc vực dậy thị trường bất động sản, một số dự án pháp lý chưa hoàn thiện có thể được giải quyết và tái khởi động trong năm 2025, giúp ngân hàng thu hồi nợ từ người mua nhà. Tuy nhiên, vấn đề dòng tiền của chủ đầu tư và niềm tin người mua vẫn là yếu tố quan trọng, vì nếu chủ đầu tư không hoàn thành hợp đồng hoặc giao nhà đúng tiến độ, nợ xấu có thể gia tăng, đặc biệt ở nhóm khách hàng cá nhân. Nợ xấu tăng đòi hỏi các ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro, sẽ tác động đến lợi nhuận, nhất là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.

Về chất lượng tài sản, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS đánh giá, nợ xấu trung bình các ngân hàng niêm yết đã tăng lên 2,6% vào cuối quý III/2024, nợ nhóm 2 cũng có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là vấn đề đáng quan ngại khi tỷ lệ này đang giảm. Do đó, năm 2025, thay vì chỉ nhìn vào thu nhập, nhà đầu tư nên chú ý hơn đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Tin bài liên quan