Kinh tế 9 tháng đầu năm 2018: Tích cực
Tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2018 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,65% và chiếm tỷ trọng 13,93% GDP; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,89% và đóng góp 33,49% tỷ trọng GDP; khu vực dịch vụ tăng 6,89% và đóng góp 42,54% tỷ trọng GDP.
Trong khu vực công nghiệp - xây dựng, công nghiệp chế biến - chế tạo là điểm sáng và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP của toàn quốc với mức tăng 12,65% và đóng góp 2,56% vào tăng trưởng GDP.
Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ là điểm nhấn với mức tăng trưởng cao nhất khu vực, đạt 8,48% và đóng góp 0,9% vào tăng trưởng GDP.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với khu vực nông - lâm - thủy sản, khu vực này tiếp tục đánh dấu sự chuyển mình trong việc tái cơ cấu ngành khi các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012.
Kết quả tăng trưởng kinh tế cao cho thấy tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Tuy vậy, mức tăng trưởng GDP chung toàn quốc được dự báo sẽ giảm nhẹ trong quý IV/2018 do những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng áp lực lên việc điều hành chính sách lạm phát, tỷ giá, tiền tệ và lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao. Do đó, Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt 6,75% - 6,8%.
Dự báo tăng trưởng GDP 2019
Dựa trên kết quả đã thể hiện của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018, CTS cho rằng, nền kinh tế có thể duy trì được đà tăng trưởng tốt như năm 2018, với cơ cấu đóng góp của các lĩnh vực chủ chốt sẽ không có quá nhiều thay đổi.
Tuy vậy, mức tăng trưởng GDP trong năm 2019 có thể giảm nhẹ, dự báo trong khoảng 6,6% - 6,7% do áp lực lạm phát có nguy cơ gia tăng từ việc áp thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách nâng mức lãi suất cơ bản trong bối cảnh rủi ro đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Về CPI, áp lực lạm phát gia tăng do giá hàng cơ bản tăng (giá xăng, giá điện…), chỉ số này có thể tăng lên mức gần 5%. Chia sẻ với chính sách điều hành kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều hành chính sách theo hướng chặt chẽ hơn trong tăng trưởng tín dụng, tiếp tục hướng dòng vốn vào các ngành sản xuất, giảm dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng.
Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết
Tổng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ các doanh nghiệp trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) 2 quý đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng 33,11%, trong đó riêng VHM đóng góp 9,96%. CTS dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp có thể đạt 28,92% năm 2018 và 14,69% năm 2019.
Hiện có 3 ngành chiếm tỷ trọng cao về vốn hóa và lợi nhuận là ngân hàng, bất động sản, dầu khí. Năm 2018, khối các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến nhờ có thêm lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng nợ xấu (6 tháng đầu năm hoàn nhập dự phòng 8.220 tỷ đồng).
Dự báo, lợi nhuận khối ngân hàng năm 2019 đạt mức tăng trưởng 22,5%, giảm so với năm 2018 khi dư địa từ việc hoàn nhập dự phòng nợ xấu không còn nhiều. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng sẽ tạo thêm khó khăn cho việc tăng trưởng thu nhập từ lãi.
Với ngành bất động sản, lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho ngành. CTS cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành bất động sản năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018. Bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc trung cấp (dự án đáng chú ý là từ sản phẩm Vincity của VHM) và sụt giảm ở phân khúc cao cấp cũng như thấp cấp.
Lĩnh vực dầu khí năm 2019 dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm 2018 nếu giá dầu tiếp tục neo ở mức cao quanh 70 - 80 USD/thùng. CTS đánh giá cao khả năng giá dầu sẽ giữ ở mức như hiện nay, thậm chí cao hơn, vì bị tác động bởi các diễn biến của chiến tranh thương mại.
Dự báo thị trường chứng khoán và khuyến nghị đầu tư
Nhìn trên biểu đồ “Lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm và chỉ số VN-Index" có thể thấy mối tương quan nghịch giữa lãi suất trái phiếu Chính phủ và VN-Index. Khi lãi suất trái phiếu Chính phủ (đường màu xanh) giảm thì VN-Index tăng và ngược lại. Ở thời kỳ 2015 - 2016, VN-Index có xu hướng đi ngang khi lãi suất trái phiếu Chính phủ đi ngang.
CTS đã xây dựng mô hình đo chỉ số VN-Index với 2 nhân tố chính là lãi suất và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận (xem bảng). Nhằm lượng hóa biến động lãi suất, CTS đo thông qua biến động lãi suất giao dịch thứ cấp lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm.
Lãi suất trái phiếu này sẽ bị tác động bởi xu hướng tăng lãi suất chung của Mỹ và các nước khác trên thế giới, mục đích là để bảo vệ dòng vốn cũng như tỷ giá. Ngoài ra, lãi suất cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát và mức bù rủi ro quốc gia của Việt Nam.
VN-Index năm 2019 có thể diễn ra theo 3 kịch bản và chiến thuật mua - nắm giữ có thể sẽ không hiệu quả bằng chiến thuật giao dịch trading (mua bán ngắn hạn). Chiến thuật đầu tư nắm giữ các cổ phiếu cơ bản trong VN30 có thể sẽ tốt hơn nếu điều chỉnh sang đầu tư cổ phiếu ngành tăng trưởng.
Trong năm 2019, ngành bất động sản và ngân hàng có thể sẽ khó tăng trưởng mạnh như năm 2018. Theo kịch bản năm 2019, dự báo giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng cao hơn, mặc dù sức tiêu thụ có thể giảm. Do đó, CTS khuyến nghị đầu tư vào các ngành tiêu dùng hàng hóa cơ bản như sản xuất điện và bán lẻ.
Chiến tranh thương mại có những tác động bất lợi, nhưng cũng có ảnh hưởng tích cực đến một số ngành trong nền kinh tế Việt Nam. Một số ngành xuất khẩu được hưởng lợi là thủy sản, dệt may.
Để kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể sẽ mở rộng đầu tư công. Lĩnh vực có khả năng được hưởng lợi liên quan tới đầu tư công là xây dựng cơ bản cầu đường và lắp đặt mạch điện.