Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2014
Sản xuất, xuất nhập khẩu sôi động
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, 4 ngành chính gồm sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,7%, công nghiệp khai khoáng tăng 8,2%, ngành nước tăng 7,3%.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, muốn biết sức khỏe nền kinh tế ra sao cứ nhìn vào các chỉ số sản xuất công nghiệp. Nếu so với 2 năm trước, con số đạt được năm nay là tương đối khả quan khi cùng kỳ năm 2013 chỉ đạt 5,3%; năm 2014 đạt 6,7%.
Đề cập đến tình hình xuất nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính riêng tháng 9/2015, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 14,2 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao là: dệt may đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; da giầy đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 9,1%; điện thoại và các linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 11,4 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước...
Xét về cơ cấu thị trường, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tăng 19,6%, chiếm tỷ trọng khoảng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, EU...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 9 của cả nước ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, trong 9 tháng qua, nền kinh tế nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không kể dầu thô xuất siêu 8,86 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, xuất siêu 11,9 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu ước khoảng 15,8 tỷ USD.
FDI tăng mạnh
9 tháng qua, thu hút vốn FDI tăng đột biến nhờ các dự án lớn. Tính đến ngày 20/9, cả nước có hơn 1.400 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11 tỷ USD. Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm nay đạt 17,15 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2014.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đầu tư nước ngoài trong 9 tháng năm nay có sự gia tăng đột biến so với cùng kỳ 2014 là do trong tháng 8 và tháng 9 đã cấp phép cho một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, Dự án Công ty Samsung Display của Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực của Việt Nam; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá lạc quan hơn về triển vọng kinh tế không chỉ đến từ các bộ, ngành trong nước, mà gần đây, các tổ chức nước ngoài cũng đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô Việt Nam. Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang khởi sắc nhờ cải thiện trong tiêu dùng cá nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đây là hai yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn các dự báo được đưa ra hồi đầu năm. Điều này đã được chứng minh qua số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố với tăng trưởng GDP quý III/2015 ước đạt 6,81%; 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm.
Thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 9 ước đạt 19.730 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 91% cùng kỳ tháng trước (tương ứng giảm khoảng 1.800 tỷ đồng), chủ yếu do giá dầu giảm làm giảm thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, thu ngân sách nhà nước đạt 640.420 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán. Nhiều khoản thu nội địa đạt tiến độ cao hơn tiến độ thu chung như thuế bảo vệ môi trường, tiền thu sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh.