Morgan Stanley khuyến nghị Ai Cập nên thực hiện các cải cách cơ cấu thông qua chương trình tư nhân hóa quy mô lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Morgan Stanley nhận định rằng, việc chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt lâu dài cũng sẽ giúp giảm bớt sự biến động của nền kinh tế Ai Cập trước những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo của Morgan Stanley cho biết, triển vọng tăng trưởng trung hạn của Ai Cập khá thuận lợi, nhưng tình trạng thiếu hụt ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô. Đây là các nhân tố có thể sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Ai Cập.
Cho dù sự mất giá liên tục của đồng bảng Ai Cập kể từ năm 2022 có thể giúp thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, nhưng dự trữ ngoại hối của nước này tăng ở mức độ không đáng kể, do có những động thái rõ ràng về việc thắt chặt tài chính tiền tệ trong nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân đã có từ nhiều thập kỷ trước, chẳng hạn như chính sách phát triển công nghiệp và xuất khẩu thất bại đã tạo ra thâm hụt thương mại dai dẳng.
Hơn nữa, việc đồng tiền được định giá quá cao, trong khi các thể chế quản lý còn nhiều bất ổn đã khiến việc đầu tư và cạnh tranh trên thị trường trở nên ảm đạm. Các gói trợ cấp, dù hiện tại đã giảm nhiều, từ lâu đã khiến ngân sách nước này cạn kiệt. Ngoài ra, các khoản thu từ kiều hối, phí quá cảnh Kênh đào Suez và du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Vào tháng 12/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt khoản vay trị giá 3 tỷ USD để hỗ trợ Ai Cập vượt qua khó khăn kinh tế, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng, sự hỗ trợ của IMF là "không đủ để đáp ứng nhu cầu ngoại hối của nền kinh tế Ai Cập trong thời gian tới".
Ai Cập có khả năng sẽ bán các tài sản trị giá tới 7 tỷ USD vào năm 2024 khi nước này tìm cách gia tăng thanh khoản ngoại hối và tài chính công.
Trong một diễn biến khác, HC Securities and Investment, ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Ai Cập và khu vực Trung Đông-Bắc Phi cho biết Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới.
Theo HC Securities and Investment, CBE sẽ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất khoảng 2% tại cuộc họp dự kiến vào ngày 30/3 tới đây, nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Ai Cập trong tháng 2/2023 đã ở mức 31,9%, so với mức 25,8% của tháng trước đó.
Lạm phát của nước này từng đạt đỉnh mức 35,9% vào tháng 7/2022, trước khi giảm xuống mức 30,3% vào tháng 12/2022. Dự trữ ngoại hối của Ai Cập trong tháng 2/2023 ghi nhận mức 34,3 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.