CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cho biết, trong 2 quý đầu năm nay, ước tính, sản lượng tiêu thụ của Công ty đạt 530.800 tấn; doanh thu đạt 5.798 tỷ đồng, hoàn thành gần 55% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 151,2 tỷ đồng, vượt nhẹ so với kế hoạch lợi nhuận cả năm (150 tỷ đồng) mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Trong nửa năm còn lại, SMC đặt chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ 520.000 tấn và lợi nhuận dự kiến 60 tỷ đồng. Mới đây, Công ty đã chốt kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt I/2017 cho cổ đông, với tỷ lệ 5%.
Doanh nghiệp cùng ngành với SMC là CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) sau khi có quý I rất thành công, với lợi nhuận sau thuế 89,6 tỷ đồng (tăng đột biến so với mức 16,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016) mới đây cũng cho biết, trong quý II, Công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của DLT thông qua, chỉ tiêu doanh thu năm nay là 3.900 tỷ đồng, tăng 35% so với con số thực hiện 2016; lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, tăng 57% so với năm ngoái. Trong năm nay, Công ty dự kiến đầu tư hơn 99 tỷ đồng vào dự án mở rộng giai đoạn 2 Khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, sản lượng tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ 2016, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã xuất khẩu khoảng 90.000 tấn thép xây dựng, thép rút dây sang thị trường các nước như Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và Philippines.
Dù HPG chưa đưa ra con số lợi nhuận ước tính chính thức trong 6 tháng đầu năm, nhưng Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự phóng doanh thu thuần của Hòa Phát đạt 20.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.740 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, nếu tính riêng quý II, HSC ước tính doanh thu thuần của HPG là 10.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận là 1.800 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Giá thép vẫn duy trì xu hướng tăng giá từ giữa năm 2016 và với sự khởi sắc của thị trường bất động sản, xây dựng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đang thuận lợi. Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị DTL bày tỏ sự lạc quan vào triển vọng kinh doanh của Công ty trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, biên độ tăng của giá thép cũng như biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thép có thể hẹp lại so với 6 tháng đầu năm.
Nhìn về triển vọng dài hạn của ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, hàng loạt nhà máy thép mọc lên có thể làm nguồn cung thép trên thị trường trong nước tăng vọt.
Đơn cử như Nhà máy cán thép Dung Quất giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2018, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu, bổ sung 500.000 – 600.000 tấn thép xây dựng cho thị trường. Hay CTCP Thép Việt Ý cũng đang hoàn tất quá trình tăng vốn từ 492 tỷ đồng lên hơn 738 tỷ đồng để đầu tư dự án nhà máy cán thép có công suất 500.000 tấn/năm…
Đó là chưa kể hàng loạt dự án cán thép của các doanh nghiệp khác trong ngành. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước vẫn còn rất lớn, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp thép vẫn còn.
Số liệu từ Hiệp hội Thép dự báo về sản lượng thép Việt Nam tới năm 2020 là 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm.
Đó là chưa kể, Trung Quốc, quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất thép với sản lượng 808,4 triệu tấn năm 2016, theo định hướng đến năm 2020, năng lực sản xuất thép và than của Trung Quốc sẽ giảm lần lượt 100 - 150 triệu tấn và 800 triệu tấn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành thép khi không phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ nguồn thép giá rẻ Trung Quốc.