Dịch bệnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhưng dự kiến sẽ sớm được khắc phục.

Dịch bệnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhưng dự kiến sẽ sớm được khắc phục.

Triển vọng cổ phiếu ngành từ bức tranh vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh vĩ mô đang dần bị ảnh hưởng bởi Covid-19, kéo theo cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán ít đi, nhưng vẫn có những ngành tiếp tục tăng trưởng tốt.

Sức chống chịu của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng 6, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 tăng là giá lương thực, thực phẩm tăng do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, người dân có tâm lý lo ngại nên tăng tích trữ. Mặt khác, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.

Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2021, CPI chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tháng 7/2021 tăng 1,8% so với tháng 6 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất). Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 7,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ tăng 2,6%).

Về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 7/2021 đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 6. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. Cán cân thương mại nhập siêu 2,7 tỷ USD.

TS. Nguyễn Thanh Bình tại Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, giá trị nhập siêu 2,7 tỷ USD thực chất không đáng ngại, vì năm nay Việt Nam tăng cường nhập các mặt hàng y tế, thuốc, dược, đặc biệt là vắc-xin chiếm tỷ trọng cao hơn các năm.

“Nhập khẩu các mặt hàng cần thiết để phục vụ việc chữa và phòng chống dịch bệnh, nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị đầu vào phục vụ sản xuất, nên nhập siêu không phải vấn đề nghiêm trọng. Nếu chúng ta nhập về những mặt hàng xa xỉ, phục vụ nhu cầu hưởng thụ trong thời điểm này thì hoạt động sản xuất trong tương lai mới bị tác động”, ông Bình nhận xét.

Yếu tố kém tích cực là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm, trong khi đây là một trong những yếu tố có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến ngày 20/7/2021, FDI đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm giảm 2,6%, trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Thực tế, trong tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều khu vực kinh tế lớn phải thực hiện giãn cách, hoạt động sản xuất bị đình trệ… Khi nhìn thấy thực tế này, sẽ rất khó để nhà đầu tư nước ngoài mạo hiểm rót vốn. Dù có lộ trình giải ngân cụ thể, nhiều nhà đầu tư cũng sẽ phải tạm dừng cho đến khi hoạt động sản xuất của Việt Nam ổn định trở lại. Mặt khác, biến chủng Delta bùng lên ở hầu khắp thế giới, nên bản thân các nước cũng lo việc chống dịch và cắt giảm hoạt động đầu tư tại nước ngoài.

Song đặc thù của kinh tế Việt Nam là khả năng chống chịu rất tốt, càng khó khăn thì sức bật càng mạnh. Vậy nên, khi dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay có thể cần được điều chỉnh giảm.

“Theo đánh giá trong nước và thế giới, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới, nội lực kinh tế rất tốt. Đặc biệt, chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào và có chuyên môn, sẽ thu hút FDI tốt hơn”, ông Bình nói.

Cơ hội và rủi ro với các nhóm ngành

Theo các chuyên gia, bên cạnh yếu tố nội tại của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến các chỉ số vĩ mô khi tham gia thị trường chứng khoán, bởi trong đó có những gợi ý giúp nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới hạn chế được sai lầm vì thiếu thông tin cơ bản.

Ông Lê Quý Hải, Phó giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI cho rằng, một trong những sai lầm của các nhà đầu tư là bỏ qua yếu tố vĩ mô khi thị trường tăng điểm, đến khi thị trường có sự điều chỉnh thì các yếu tố vĩ mô mới được quan tâm.

“Nhà đầu tư cần có thói quen tiếp cận thông tin một cách có hệ thống và bài bản”, ông Hải khuyến nghị.

Nhìn từ các chỉ số vĩ mô 7 tháng đầu năm 2021, chuyên gia kinh tế tại Học viện Chính sách và Phát triển nhận định, biện pháp giãn cách nhằm phòng chống dịch sẽ ảnh hưởng tới tổng sản lượng của nền kinh tế, có thể tạo ra xu hướng kém tích cực cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

“Trước diễn biến dịch bệnh và xu hướng dòng tiền hiện nay, tôi cho rằng, trong thời gian tới, thị trường sẽ không thể hiện được sự hưng phấn như thời điểm năm 2020 và nhà đầu tư trở nên rất cảnh giác. Từ góc nhìn của một nhà đầu tư lâu năm và làm công tác đào tạo chứng khoán, điều này là cần thiết và nhà đầu tư cần phải quản trị rủi ro”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhìn nhận, dịch bệnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhưng đây chỉ là vấn đề trong ngắn hạn, dự kiến sẽ sớm được khắc phục. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn sẽ xuất hiện cơ hội cho những nhà đầu tư đánh giá tình hình hợp lý và nắm bắt cơ hội kịp thời.

Công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistics, bất động sản công nghiệp là những ngành được coi là “miễn nhiễm” với Covid-19.

“Về mặt logic, những doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hay những sản phẩm phục vụ công việc tại nhà như laptop, máy tính… sẽ ghi nhận tín hiệu tích cực”, ông Hoàng nhận định.

Trong khi đó, ông Bình dự báo, các ngân hàng, doanh nghiệp về thương mại điện tử, công nghiệp chế biến trong những tháng cuối năm sẽ giữ được lợi nhuận ổn định.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đôi khi không phản ánh được hết những khó khăn trên thực tế, vì cơ cấu của ngành ngân hàng và bất động sản quá lớn, chiếm trên 50% vốn hóa toàn thị trường. Khi hai ngành hoạt động tốt, thị trường cũng sẽ tốt, nhưng hàng trăm doanh nghiệp khác vẫn còn liêu xiêu”, ông Bình nói và nhìn nhận, rủi ro sẽ nằm ở nhóm ngành du lịch, khách sạn, hàng không, vận tải, bên cạnh đó là các ngành phụ trợ, phục vụ nhu cầu đi lại, lưu trú và giải trí, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu.

Tin bài liên quan