Triển vọng cổ phiếu ngành điện nửa cuối năm 2022

Triển vọng cổ phiếu ngành điện nửa cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là một trong những ngành có tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2022, nhưng khi so sánh hiệu quả sản xuất giữa các loại hình phát điện thì có thể nhận thấy, có nhiều sự khác biệt trong các doanh nghiệp ngành điện.

Phân hóa giữa điện khí và điện than

Nhìn vào thống kê tăng trưởng của một số doanh nghiệp điện trong quý II, bên cạnh xu hướng tích cực của các doanh nghiệp thủy điện thì một điều đáng chú ý là sự phân hóa kết quả kinh doanh giữa điện than và điện khí.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý II của doanh nghiệp sản xuất điện theo loại hình. Nguồn: Wichart.vn

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý II của doanh nghiệp sản xuất điện theo loại hình. Nguồn: Wichart.vn

Mặc dù được đánh giá là cùng chịu ảnh hưởng từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng các doanh nghiệp điện khí vẫn có mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, trái ngược hoàn toàn với các doanh nghiệp điện than. Tiêu biểu có thể kể đến như Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 - HOSE) với kết quả kinh doanh quý II ấn tượng khi lợi nhuận gấp gần 15 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ngành điện than Việt Nam trong quý II/2022 chỉ đạt một mức tăng tương đối khiêm tốn so với các doanh nghiệp khác trong ngành sản xuất điện (từ 35 - 50% so với cùng kỳ), thậm chí, Nhiệt điện Phả Lại (PPC - HOSE) còn tăng trưởng âm 27,8% vì máy phát điện S6 chưa thể đi vào vận hành trở lại.

Lũy kế sản lượng 6 tháng đầu năm của nhiệt điện theo hình 2021 - 2022. Nguồn: EVN, Wichart.vn

Lũy kế sản lượng 6 tháng đầu năm của nhiệt điện theo hình 2021 - 2022. Nguồn: EVN, Wichart.vn

Nguyên nhân trọng yếu dẫn đến sự chênh lệch về tăng trưởng của hai loại hình này là do kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2021 của điện khí cực kỳ thấp điểm, giữa lúc giá khí đầu vào trung bình tăng cao, còn phân bổ giá mua (PPA) đầu ra lại giảm. Điều này tạo cho các doanh nghiệp điện khí như NT2, Nhiệt điện Bà Rịa (BTP - HOSE) một mức nền so sánh cùng kỳ thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp điện than.

Hơn nữa, có thể thấy rằng, điện than đang là loại hình sản xuất chịu nhiều tổn thương nhất khi thủy điện hoạt động mạnh trở lại. Cụ thể, sản lượng điện than đã sụt giảm 17% so với cùng kỳ. Trong khi, mức sụt giảm sản lượng này đối với điện khí chỉ khoảng 3,2%, tại vì các nhà máy có vị trí nằm tại các khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, nên luôn được ưu tiên huy động do nhu cầu tiêu thụ lớn.

Còn về yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng, người viết cho rằng, hiện không có quá nhiều tác động đến khối nhiệt điện vì giá than trong nước cung cấp cho các nhà máy điện khá ổn định nhờ hợp đồng dài hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam (TKV), còn đối với các doanh nghiệp điện khí, các đơn vị này đang được hỗ trợ bởi cơ chế giá đầu ra và tăng sản lượng Qc.

Giá thu mua điện hạ nhiệt do thủy điện tăng sản lượng

Lượng mưa lớn vào tháng 5 và tháng 6 đã làm tăng sản lượng điện huy động từ thủy điện, trung bình 50% công suất vào các thời gian cao điểm trưa và kịch khung là mức hơn 90% công suất vào cao điểm tối, vì đây là thời điểm các nhà máy điện mặt trời không còn hoạt động.

Chính yếu tố này đã gây ra 2 tác động lớn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp điện: Làm giảm sản lượng huy động từ nhóm nhiệt điện, nhờ lợi thế cạnh tranh về giá của thủy điện; và kéo giá điện huy động trên thị trường cạnh tranh tụt dốc sau đà tăng mạnh trước đó.

Cơ cấu nguồn điện huy động quý II/2022. Nguồn: EVN, Wichart.vn

Cơ cấu nguồn điện huy động quý II/2022. Nguồn: EVN, Wichart.vn

Cụ thể, cơ cấu nguồn điện huy động trong quý II/2022 đã có sự thay đổi mạnh. Sản lượng huy động từ thủy điện đã tăng 152% so với quý đầu năm, qua đó, nâng tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu huy động từ 26,2% (quý I) lên mức 35,7%. Điều này đã góp phần kéo tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp thủy điện lên cao và tác động tiêu cực đến sản lượng đầu ra của các nguồn huy động điện khác, trong đó có thể kể đến điện than.

Song song với đó, việc thủy điện được tăng sản lượng huy động cũng đã khiến cho giá thu mua điện trên thị trường điện cạnh tranh mất đi đà tăng trước đó, rơi từ mức đỉnh 1.800 đồng/kwh (tháng 4) xuống còn quanh 1.200 đồng/kwh, do giá huy động từ thủy điện thấp. Tuy nhiên, mức giá điện giao dịch trung bình của cả quý II/2022 vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ - điều kiện tuyệt vời cho tăng trưởng của nhóm sản xuất điện.

Giá toàn phần thị trường điện (FMP) bình quân tháng. Nguồn: EVNGENCO 3, Wichart.vn

Giá toàn phần thị trường điện (FMP) bình quân tháng. Nguồn: EVNGENCO 3, Wichart.vn

Triển vọng tăng trưởng nhóm ngành điện nửa cuối năm

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55 - 65%. Theo đó, lượng mưa cơ bản tại khu vực Bắc bộ được dự báo cao hơn trung bình năm ngoái từ 10 - 25% với xác suất hơn 60%. Các khu vực Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên cũng có lượng mưa cao, đặc biệt tại một số khu vực như Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có thể cao hơn 15 - 35% so với cùng kỳ với xác suất xảy ra từ 70 - 90%

Như vậy, nếu kịch bản này xảy ra, các nhà máy thủy điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong giai đoạn cuối năm, khi nguồn nước tiếp tục dồi dào hơn, đặc biệt là các nhà máy thủy điện tại miền Trung, có thể kể đến như Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH - HOSE), Thủy điện miền Trung (CHP - HOSE)...

Song song với đó, những tháng cuối năm cũng là thời điểm hoạt động mạnh trở lại của 4,4 GW điện gió khi mùa quay trở lại (thường bắt đầu từ tháng 11). Áp lực từ nguồn cung dồi dào của hai nguồn này là rủi ro lớn đối với tăng trưởng của nhóm nhiệt điện (điện than + điện khí) vào nửa cuối năm. Dù vậy, do giá điện huy động vẫn đang duy trì ở mức cao so với nền giá năm 2021, nên nhìn chung các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất điện vẫn được kỳ vọng mang lại kết quả kinh doanh lạc quan trong 2 quý còn lại của năm 2022.

Tin bài liên quan