Tỷ lệ ký quỹ 100% cho giao dịch chứng khoán theo quy định hiện hành là một biện pháp an toàn trên mức cần thiết.

Tỷ lệ ký quỹ 100% cho giao dịch chứng khoán theo quy định hiện hành là một biện pháp an toàn trên mức cần thiết.

Triển vọng bán chứng khoán ngày T+0

(ĐTCK-online) Với góc nhìn từ thực tiễn cũng như viện dẫn thông lệ thế giới, bài viết sau đây sẽ chỉ ra một số bất cập trên TTCK Việt Nam về thời gian thanh toán giao dịch, tỷ lệ ký quỹ, đồng thời nêu giải pháp khắc phục và góp ý cho định hướng NĐT có thể được bán chứng khoán trước ngày T+4, thậm chí ngày T+0.

Thời gian thanh toán giao dịch

Theo quy định hiện hành, khi thực hiện giao dịch chứng khoán, NĐT phải có 100% số tiền/chứng khoán trong tài khoản. Số dư tiền/chứng khoán trong tài khoản của khách hàng sẽ bị phong tỏa ngay khi đặt lệnh giao dịch (ngày T) và kéo dài (nếu lệnh được thực hiện) cho đến khi việc thanh toán thực sự diễn ra (tài khoản được ghi giảm/tăng) vào ngày T+3. Nói cách khác, mặc dù thời gian thanh toán quy định cho giao dịch chứng khoán là T+3, nhưng thực chất đối với NĐT là T+0.

TIN LIÊN QUAN

* Bán chứng khoán trước ngày T+4: Cần được hợp thức hóa

* Hiểu thế nào về quyền sở hữu cổ phiếu?

* Bán CK đang về tài khoản: Khống hay không?

* Từ ngày 1/12, chấm dứt bán chứng khoán trước ngày T+4

* Không có chuyện “treo giò” tài khoản bán T+

Trong khi đó, tại các TTCK phát triển, thông lệ chung về thời gian thanh toán giao dịch đối với NĐT thực sự là T+3, nghĩa là NĐT chỉ cần có số dư tiền/chứng khoán trong tài khoản của mình vào ngày T+3 là được. Trong điều kiện Việt Nam, nếu cho phép giao dịch gối đầu và quy định thời gian thanh toán đối với các giao dịch gối đầu của NĐT là T+2 cũng sẽ là một cải thiện lớn. CTCK sẽ theo dõi các giao dịch chứng khoán trước đó nhằm đảm bảo rằng NĐT sẽ có tiền/chứng khoán vào ngày T+2 để sẵn sàng cho việc thanh toán các giao dịch của ngày T theo chu kỳ thanh toán T+3.

 

Quy định về tài sản ký quỹ và tỷ lệ ký quỹ

Hiện tại, khi đặt lệnh mua chứng khoán, NĐT Việt Nam phải có số tiền tương đương với 100% giá trị giao dịch trong tài khoản. Điều này gây trở ngại về tiền mặt không nhỏ cho NĐT, ngay cả khi trong tài khoản của họ có rất nhiều loại chứng khoán khác. Thông lệ chung tại các thị trường khác là NĐT có thể dùng chính số dư chứng khoán trong tài khoản của mình để ký quỹ đảm bảo cho giao dịch. Giá trị các loại chứng khoán khác nhau sẽ được quy đổi theo giá thị trường và chiết khấu (haircut) theo những tỷ lệ khác nhau để đảm bảo an toàn.

Ví dụ, đến thời điểm thanh toán đối với NĐT, giả sử T+2, nếu NĐT vẫn chưa có tiền trong tài khoản thì CTCK có quyền bán chứng khoán trong tài khoản của khách hàng để hoàn tất giao dịch - đầu tiên là số chứng khoán vừa mua trong ngày T, nếu chưa đủ sẽ bán tiếp các loại chứng khoán khác trong tài khoản đã được quy đổi giá trị để ký quỹ. Ngoài ra, tỷ lệ chiết khấu để quy đổi giá trị đối với các loại chứng khoán ký quỹ còn có ý nghĩa như một công cụ điều tiết thị trường trong từng thời điểm thích hợp.

Tỷ lệ ký quỹ 100% cho giao dịch chứng khoán theo quy định hiện hành là một biện pháp an toàn trên mức cần thiết so với thông lệ chung của TTCK, làm ảnh hưởng đến khả năng quay vòng vốn của NĐT. Trên thực tế, với biên độ dao động giá cho phép 5%/phiên tại HOSE, thời gian thanh toán T+3 và các tham số về mức độ rủi ro của các loại chứng khoán, có thể xác định được một tỷ lệ ký quỹ thấp hơn nhiều so với 100% mà vẫn đảm bảo an toàn thanh toán.

Tiếp tục với ví dụ trên, giả sử tỷ lệ ký quỹ là 50% và đến thời điểm T+2 NĐT không chuyển thêm tiền vào tài khoản để thanh toán, CTCK sẽ bán số chứng khoán đã mua ngày T của khách hàng và trích thêm một phần ký quỹ (nếu cần) để hoàn tất giao dịch. Tương tự tỷ lệ chiết khấu nói trên, tỷ lệ ký quỹ cũng có thể được cơ quan quản lý sử dụng như một công cụ điều tiết thị trường khi cần thiết.

Tỷ lệ ký quỹ cần quy định theo hướng dành cho các CTCK sự chủ động hơn. Thông lệ quốc tế cho thấy, CTCK chủ động đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro để điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ một cách tương ứng. Thực tế, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ ký quỹ giữa NĐT cá nhân và NĐT có tổ chức. Thông thường, NĐT có tổ chức có thể không cần ký quỹ.

Mua bán trong ngày

Hiện tại, NĐT Việt Nam sau khi thực hiện giao dịch chứng khoán vào ngày T phải chờ đến cuối ngày T+3 mới có số dư trong tài khoản và sang đầu ngày T+4 mới được giao dịch tiếp từ số dư đó. Việc này làm kéo dài thời gian luân chuyển vốn của NĐT, hạn chế tính thanh khoản của thị trường. Hạn chế này chính là cơ sở để các CTCK cung cấp thêm dịch vụ như "ứng trước tiền bán" nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch ngay tiếp theo giao dịch vừa được thực hiện; đồng thời cũng chính là lý do để NĐT có nhu cầu sử dụng nhiều tài khoản khác nhau trong hoạt động giao dịch của mình khi bị cấm mua và bán một loại chứng khoán trong cùng phiên, nhằm bắt kịp những diễn biến của một thị trường không ngừng biến động.

Tính thanh khoản chung của thị trường sẽ được tăng cường và nhu cầu mở nhiều tài khoản của NĐT sẽ mất đi nếu họ được phép mua bán ngay trong ngày giao dịch. Bản chất của giao dịch chứng khoán tại Việt Nam là giao dịch không hủy ngang (locked-in trade), nghĩa là kết quả giao dịch đã thực hiện không được phép hủy bỏ. Một NĐT thực hiện mua và bán cùng một khối lượng chứng khoán trong cùng ngày giao dịch (T) sẽ có vị thế số dư bằng 0 vào ngày thanh toán (T+3). Theo đó, CTCK hoàn toàn theo dõi được vị thế số dư trong tài khoản của khách hàng để xác định khả năng thực hiện giao dịch tiếp theo.

Mặt khác, mua bán trong ngày cho phép NĐT có thể kiếm lợi hoặc cắt lỗ nhanh chóng theo nhận định về tình hình thị trường - một nhu cầu chính đáng của NĐT chứng khoán. Thêm vào đó, mua bán trong ngày sẽ thu hút được một bộ phận NĐT ngày càng gia tăng cùng với sự trưởng thành của thị trường - những NĐT ngắn hạn chuyên nghiệp. Tất cả các giải pháp nhằm tăng cường tính thanh khoản của thị trường nêu trên đều khó trở thành hiện thực hoặc sẽ gây ra sự bất ổn nếu thiếu một khuôn khổ quản lý hữu hiệu hướng tới việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán. Một trong những thuận lợi lớn cho việc triển khai các giải pháp trên là quá trình đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán trong thời gian qua đã cho phép họ vận hành và quản lý hoạt động một cách hiệu quả hơn.

Với những thay đổi cần thiết này, TTCK Việt Nam không những sẽ có sự biến đổi rõ nét về tính thanh khoản, mà còn tạo tiền đề để tiến tới những thông lệ phổ biến khác trên TTCK như CTCK xác lập hạn mức giao dịch của NĐT trên cơ sở đánh giá rủi ro thay vì phải kiểm soát số dư ký quỹ theo từng giao dịch; các cơ chế giao dịch phức tạp khác như giao dịch bảo chứng và bán khống/cho vay chứng khoán hay phát triển thị trường các công cụ phái sinh trong tương lai.