Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín, TP. Hà Nội năm 2023 khai mạc tối 3/11.

Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín, TP. Hà Nội năm 2023 khai mạc tối 3/11.

Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín trong 3 ngày

0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 3-5/11, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín, diễn ra triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín, TP. Hà Nội năm 2023.

Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín, TP. Hà Nội năm 2023 do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức.

Đây là Triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân, chuyên gia, nhà thiết kế trẻ trên địa bàn huyện Thường Tín và TP. Hà Nội.

Thường Tín được biết đến không chỉ là vùng đất danh hương, khoa bảng mà còn là đất trăm nghề, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và 1 làng nghề Hà Nội.

Trên địa bàn huyện có 4 tổ nghề (nghề thêu (Lê Công Hành); tiện gỗ (Đoàn Tài); sơn ta - sau phát triển thành sơn mài (Trần Lư); lược sừng) được thờ tại các làng nghề truyền thống; 35 nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 3 nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú và 27 nghệ nhân Hà Nội; có 2 Hiệp hội làng nghề và 12 Hội làng nghề.

Trong cuốn danh mục di sản văn hóa Hà Nội, Thường Tín có 129 di sản, thì 19 di sản là nghề thủ công truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ rất sớm mà tên làng gắn liền với sản phẩm của nghề như: Lược sừng Thụy Ứng; bánh dày Quán Gánh; sơn mài Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến; tiện Nhị Khê; điêu khắc gỗ, đá Nhân Hiền; gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm…

Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long xưa, những sản phẩm thủ công của Thường Tín làm ra đều được bày bán ở 36 phố phường Hà Nội như hàng tiện gỗ được bán ở phố Tô Tịch, phố Hàng Trống, các hàng thêu được bán ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào...

Đông đảo người dân và du khách đã tham quan, trải nghiệm mua sắm tại triển lãm.

Đông đảo người dân và du khách đã tham quan, trải nghiệm mua sắm tại triển lãm.

Để đáp ứng được đòi hỏi trên, các làng nghề ở Thường Tín trước đây và hiện nay đã xuất hiện nhiều thợ giỏi, nhiều nghệ nhân có bàn tay vàng đã kiên trì cải tiến mẫu mã, sáng tạo ra sản phẩm mỹ nghệ có nét độc đáo riêng.

Thông qua Triển lãm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội nói chung và trên địa bàn huyện Thường Tín nói riêng có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo và đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, cũng như từ các thiết kế này phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Triển lãm có sự tham gia của của các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các Hội, hiệp hội ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín với quy mô 3.000 m2 gồm khu trưng bày sản phẩm, mẫu thiết kế thủ công mỹ nghệ mới và 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu khoảng 500 - 600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu tại huyện Thường Tín và trên địa bàn TP. Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ khai mạc tối 3/11, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, triển lãm là dịp để những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, triển lãm là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Cũng theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, triển lãm còn tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa các nhà thiết kế với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ.

Tại triển lãm đã trưng bày giới thiệu các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo thuộc các ngành nghề như như mây tre đan, vàng bạc đồng kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, hoa nghệ thuật, sơn mài, khảm trai, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren....

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, một số có chất lượng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước: đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, cơ kim khí, chế biến nông sản, mây tre đan, điêu khắc, may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren truyền thống…

Các mẫu thiết kế mới trưng bày tại triển lãm góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; nâng cao nhận thức của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố về ngành thiết kế và công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.

Tin bài liên quan