Chưa rõ vai trò của ngân hàng lưu ký
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
Trên TTCK, cơ sở ngân hàng lưu ký có vai trò quan trọng và được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, theo các quy định tại Nghị định 42/2015 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh cũng như tại dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định này, chưa rõ vai trò của ngân hàng lưu ký trên TTCK phái sinh hay do đặc thù của thị trường này mà không cần vai trò của ngân hàng lưu ký?
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi NĐT tổ chức đặt lệnh lớn rất dễ đối mặt với rủi ro, nên họ có thể mất khả năng thanh toán. Khi không còn vai trò phòng vệ rủi ro của ngân hàng lưu ký, việc chỉ có các CTCK kiểm tra, theo dõi số dư ký quỹ của NĐT liệu có an toàn? Do vậy, nhà quản lý cần làm rõ, đối với các NĐT tổ chức nước ngoài, họ có phải ký quỹ trực tiếp tại CTCK hay tại ngân hàng lưu ký hay không.
Không có chuyện phòng vệ rủi ro hoàn hảo
Ông Choi In Jun, Giám đốc kinh doanh đa chiến lược, Tập đoàn Đầu tư Shinhan
Tuy TTCK phái sinh cung cấp các công cụ phòng vệ rủi ro cho NĐT, nhưng nên nhớ không bao giờ có chuyện phòng vệ rủi ro hoàn hảo, bởi bản thân các công cụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Do đó, Việt Nam cần đặt ra các quy định đủ chặt chẽ để giảm thiểu mặt tác động tiêu cực của các sản phẩm chứng khoán phái sinh.
Theo đó, cần có các quy định chặt chẽ và linh hoạt về tỷ lệ ký quỹ ban đầu theo hướng cho phép điều chỉnh tỷ lệ này theo giá thị trường. Vào cuối mỗi ngày giao dịch, tài khoản ký quỹ được điều chỉnh để phản ánh mức lỗ/lãi của NĐT. Nếu số tiền trong tài khoản ký quỹ thấp hơn mức ký quỹ duy trì, NĐT nhận được một lệnh nộp bổ sung ký quỹ để đạt mức ký quỹ ban đầu vào ngày hôm sau.
BSC tích cực chuẩn bị để tham gia ngay khi TTCK phái sinh mở cửa
Ông Lê Quang Huy, Phó Tổng giám đốc CTCK BIDV (BSC)
BSC đang nỗ lực triển khai nhiều việc để đảm bảo tham gia ngay từ đầu khi TTCK phái sinh mở cửa vào năm tới. Đầu năm nay, BSC đã thành lập nhóm nghiên cứu về TTCK phái sinh, để lên phương án phát triển sản phẩm, dịch vụ. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thăm dò nhu cầu của NĐT, trong đó chủ yếu là NĐT tổ chức, để nắm bắt các nhu cầu của họ.
Trên cơ sở đó, lên phương án thiết kế sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp. Tuy nhiên, do mức độ quan tâm của NĐT đến TTCK phái sinh hiện còn hạn chế, nên BSC gặp không ít thách thức trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NĐT khi thị trường mở cửa. Riêng về hệ thống công nghệ giao dịch, BSC đang xây dựng phương án bổ sung các tính năng mới để sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khi TTCK phái sinh được triển khai.
Cần coi trọng bảo vệ an toàn tiền cho NĐT
Ông Jay Keun Lee, Giám đốc Văn phòng dịch vụ phái sinh, Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc
Để triển khai TTCK phái sinh đạt hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro, điều quan trọng mà nhà quản lý cần quan tâm là cần định ra các cơ chế đủ mạnh và hữu hiệu để bảo vệ an toàn tài sản cho NĐT. Điều này được cụ thể hóa tại Luật Thị trường vốn của Hàn Quốc, có hiệu lực từ tháng 2/2009. Theo luật này, có 3 lớp bảo vệ tiền của NĐT khi giao dịch chứng khoán phái sinh mà Việt Nam nên tham khảo để áp dụng.
Lớp 1, tiền của NĐT và tài sản thế chấp không phải tiền mặt, lần lượt được ký quỹ tại công ty tài chính chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán. Bằng cách quản lý riêng biệt các quỹ đầu tư của các NĐT theo Luật Thị trường vốn, quyền lợi của các NĐT trên TTCK phái sinh được bảo vệ khi các CTCK phá sản. Theo đó, các CTCK phải xác định rõ tiền mà họ đang ký quỹ là tài sản của khách hàng.
Các CTCK phải tính toán khoản tiền ký quỹ của NĐT. Khoản tiền này phải được ký quỹ lại với Công ty Tài chính chứng khoán Hàn Quốc (KSFC) hàng ngày và ký quỹ lại số tiền tương ứng vào ngày tiếp theo. Các khoản tiền ký quỹ của NĐT được bảo vệ an toàn vì được ký quỹ lại đầy đủ và quản lý tách biệt bởi KSFC, một tổ chức tài chính uy tín xếp hạng tín dụng AAA.
Lớp 2 là yêu cầu về vốn và nghĩa vụ báo cáo với cơ quan quản lý. NĐT phải có vốn chủ sở hữu không nhỏ hơn 10 tỷ won, vốn hoạt động ròng không nhỏ hơn 150% tổng rủi ro, hệ số tổng tài sản trên tổng nợ không nhỏ hơn 100%.
Lớp thứ 3 là kiểm toán và thanh tra: FSS, Sở GDCK Hàn Quốc và một đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thanh tra chính thức, hoặc rà soát liên tục các giao dịch để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.