Ngân hàng giảm lãi vay từ 0,5 - 1%/năm so với thoả thuận trước
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Agribank cho biết, Thông tư 01 là cơ sở pháp lý để Ngân hàng vận dụng và triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trên thực tế, Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng trong các lĩnh vực ngành nghề bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; cho vay mới với lãi suất ưu đãi; triển khai gói tín dụng dành cho khách hàng FDI...
“Ðối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank giảm lãi suất tối đa 1%/năm đối với VND, 0,5%/năm đối với ngoại tệ”, lãnh đạo Agribank nói.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho hay, hiện tại, SCB ước tính số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 20%, nhưng có thể cao hơn trong 3 tháng tới, tuỳ thuộc vào dịch bệnh kết thúc sớm hay muộn.
SCB đang xem xét giảm lãi suất dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch với mức giảm từ 0,5% - 1%/năm so với thoả thuận trước đây, tùy theo kỳ hạn vay, tuỳ theo từng đối tượng cụ thể.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch và đang gặp khó khăn để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng, SHB hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu.
Theo đó, khách hàng sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.
Ðồng thời, Ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ (song vẫn giữ nguyên nhóm nợ), ưu đãi phí trả nợ trước hạn…
“SHB đã sẵn sàng giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB chia sẻ.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), thời điểm dịch bùng phát, Ngân hàng đã triển khai gói giảm lãi suất và giảm phí nhằm hỗ trợ gần 600 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại.
Tổng dư nợ của khách hàng doanh nghiệp được giảm lãi trong đợt này vào khoảng 2.500 tỷ đồng, với mức lãi giảm từ 0,5 - 1,5%/năm.
Theo ước tính ban đầu, VIB sẽ có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có 86 doanh nghiệp lớn và vừa, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
“Tính đến ngày 4/3/2020, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống”, ông Hùng thông tin.
“Thông tư 01 là căn cứ pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục sản xuất - kinh doanh, khắc phục khó khăn”, Phó thống đốc NHNN Ðào Minh Tú nhấn mạnh.
Sẽ xử lý thích đáng cá nhân, đơn vị làm sai quy định
Không ít nhân viên tín dụng, nhất là tại ngân hàng có vốn nhà nước chia sẻ, họ quan ngại về những rủi ro phải đối mặt trong quá trình tiến hành thẩm định thiệt hại của doanh nghiệp. “Nhân viên tín dụng không phải là cán bộ của cơ quan điều tra để nắm chính xác số liệu của doanh nghiệp”, một nhân viên tín dụng nói.
Về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Ðào Minh Tú cho rằng, Thông tư 01 là hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để nhân viên ngân hàng tuân thủ đúng quy định và việc thực hiện đúng sẽ giảm thiểu rủi ro.
Các tổ chức tín dụng khi đã cho vay được thì cũng sẽ phải tính toán, nhận biết, đánh giá, theo dõi được dòng tiền của doanh nghiệp do yếu tố khách quan dịch bệnh khiến dòng tiền không về, giảm doanh thu, giảm thu nhập của doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá được thiệt hại, các tổ chức tín dụng sẽ đưa ra quyết định về mức hỗ trợ, từng mức hỗ trợ như thế nào tuỳ thuộc vào hoàn cảnh khó khăn của từng doanh nghiệp.
“Những yếu tố có tính chất kỹ thuật, các ngân hàng phải có trách nhiệm xem xét, quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể sát với thực tiễn. Ðây là thời điểm ngân hàng cùng chia sẻ những khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Do đó, cả hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ, tin tưởng lẫn nhau để giải quyết các vấn đề trong thời điểm dịch bệnh. Ðể tránh tình trạng hưởng chính sách không đúng đối tượng, mọi quy định phải được kiểm soát chặt chẽ. Ðể ngăn chặn việc lợi dụng, làm sai quy định, sẽ xử lý thích đáng cá nhân, đơn vị vi phạm”, Phó thống đốc nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, ngân hàng sẽ không nhất thiết xem báo cáo tài chính vì tình hình dịch bệnh vừa diễn ra và trong giai đoạn ngắn nên báo cáo tài chính không thể hiện đúng bản chất.
Ngân hàng sẽ nắm bắt vào tình hình hoạt động kinh doanh như doanh thu sụt giảm như thế nào, kết quả lợi nhuận giảm ra sao..., đó là những yếu tố để biết tình hình hoạt động của khách hàng có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay không và đến mức độ nào.
“Khi ngân hàng xem xét hoạt động kinh doanh đều dựa vào dòng tiền của khách hàng thông qua dòng tiền chạy qua ngân hàng hoặc doanh số mua bán. Ðó là căn cứ, cơ sở để giúp tổ chức tín dụng chủ động đối với từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi sẽ biết doanh nghiệp nào cần thiết hỗ trợ để đảm bảo tính khách quan và đối xử công bằng”, tổng giám đốc ngân hàng trên nói.
Thông tin đáng chú ý, trong tuần từ 9 - 13/3/2020, NHNN thực hiện hút ròng 2.000 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO). Cụ thể, cơ quan này đã phát hành mới 2.000 tỷ đồng tín phiếu mới (kỳ hạn 91 ngày với lãi suất duy trì ở mức 2,65%/năm) và không có lượng tín phiếu đáo hạn.
Trên kênh OMO, NHNN tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào. Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện tăng lên mức 147.000 tỷ đồng.
Ngày 16/3, NHNN giảm lãi suất 0,5% đối với các lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất OMO.
Ðộng thái cắt giảm lãi suất của NHNN kết hợp với động thái ngừng hút ròng sẽ giúp giúp thanh khoản hệ thống liên ngân hàng dồi dào hơn và giúp hỗ trợ vốn đối với các ngân hàng thương mại trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19.