Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty Việt Vương cho biết, dù hệ thống VNACCS/VCIS chưa chính thức vận hành, nhưng Công ty đã “tranh thủ” làm quen với hệ thống này. Tuy nhiên, khi thực tập trên mạng có sẵn, ông Bình nhận thấy có một số vướng mắc. “Để tham gia hệ thống, chúng tôi phải nắm được mã hàng hóa của chương trình, nhưng khi khai báo, những mã hàng hóa này chưa được tích hợp vào hệ thống”, ông Bình nói.
Ai cũng biết, mục đích của việc đưa vào vận hành hệ thống thông quan tự động là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tháo gỡ thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, lại có những danh mục hàng hóa mất thời gian lâu hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Dương, Quản lý kinh doanh Công ty Fuji Impulse Việt Nam cho biết, khi áp dụng VNACCS/VCIS, doanh nghiệp phải khai thêm danh mục hàng hóa miễn thuế. Trong khi với loại hình doanh nghiệp trong khu chế xuất như trước đây, chỉ cần khai hải quan là xem như hàng hóa đó được miễn thuế, do đó hệ thống mới này có thể không phù hợp với doanh nghiệp sản xuất hàng gia công xuất khẩu.
Mặt khác, thay vì một tờ khai hải quan trước đây áp dụng cho 300 dòng sản phẩm, khi triển khai VNACCS/VCIS, sẽ phải mất đến 6 tờ khai hai quan. Điều này sẽ gây tốn kém giấy in, máy in và nhân sự cho việc này. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng phòng Quản lý Giám sát (Cục Hải quan TP.HCM) cho rằng, mô hình VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, song hải quan ở Nhật Bản chỉ quản lý theo invoice (hóa đơn), trong khi tại Việt Nam, quản lý gia công sản phẩm, nên phải theo một loại hình khác.
“Khi tham gia loại hình thông quan mới này, cùng lúc sẽ áp dụng hai hệ thống thông quan cũ và mới để quản lý đối với loại hình doanh nghiệp gia công xuất khẩu”, ông Nguyễn Thanh Long nói và cho rằng, điều này có thể khiến cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan gặp khó khăn.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, triển khai VNACCS/VCIS, các chi cục hải quan có thêm trách nhiệm in tờ khai cho doanh nghiệp. Điều này giúp hạn chế doanh nghiệp nộp tờ khai giả, nhưng cũng gây áp lực lên cơ quan hải quan, vì hiện số lượng máy in và cán bộ hải quan không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp...
Trước những thách thức trên, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, đã thành lập các tổ triển khai thông quan tự động tại Cục và các chi cục hải quan trên địa bàn TP.HCM, đồng thời bố trí thêm cán bộ và các máy in mực tại các đơn vị phụ trách in tờ khai hải quan.
Liên quan đến thắc mắc của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khi áp dụng VNACCS/VCIS, doanh nghiệp phải khai thêm danh mục hàng hóa miễn thuế, ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên khi tham gia VNACCS/VCIS vẫn tiếp tục được hưởng các quyền ưu tiên như hiện tại.
Để tham gia VNACCS/VCIS, ông Nguyễn Trọng Hùng cho biết, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: đăng ký với cơ quan hải quan và được cấp tài khoản tham gia VNACCS/VCIS; phải có phần mềm khai báo hải quan điện tử phù hợp với VNACCS/VCIS…