Vì vậy, công ty luôn chủ động phối hợp, bám sát các quy định quy chế của cơ quan quản lý để xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, chính sách sản phẩm… khi có sản phẩm mới.
Tương tự cho lần này, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP) đi vào vận hành thì SSI cũng đã sẵn sàng để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư.
Sản phẩm phái sinh thứ 2- hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP) chính thức đi vào hoạt động. Sản phẩm này giúp ích gì cho nhà đầu tư, thưa bà?
Ngay từ ngày đầu chuẩn bị thành lập thị trường phái sinh tại Việt Nam, sản phẩm HĐTL TPCP đã là một trong hai sản phẩm đầu tiên được lựa chọn ra mắt thị trường.
Mục tiêu phát triển thị trường phái sinh theo lộ trình từ những sản phẩm đơn giản đến sản phẩm phức tạp. Và cũng vì lý do thận trọng này mà mặc dù Quy chế quy định về sản phẩm đã được ban hành cùng lúc với HĐTL chỉ số nhưng chính thức vận hành thì HĐTL TPCP ra đời sau 2 năm.
HĐTL TPCP ra đời với kỳ vọng cải thiện thanh khoản thị trường cơ sở. Đồng thời, giúp nhà đầu tư nói chung và các tổ chức nói riêng tăng cường khả năng phòng vệ, chống lại rủi ro thông qua chuyển nhượng và phân bổ, tăng khả năng nắm giữ tỷ lệ TPCP. Cũng vì với mục tiêu hướng đến như vậy mà cơ chế thanh toán đáo hạn của sản phẩm này được quyết định theo hình thức chuyển giao vật chất.
Tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua Internet, HĐTL - TPCP đầu tiên ra mắt tại Mỹ từ năm 1975. Kể từ đó, HĐTL - TPCP đã trở thành sản phẩm phòng ngừa rủi ro quan trọng trên thị trường tài chính thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội FIA (Futures Industries Association), trong vòng gần 10 năm trở lại đây (2009 - 2018), số lượng HĐTL lãi suất được giao dịch khoảng trên 2,7 tỷ hợp đồng mỗi năm, năm 2018 số lượng HĐTL lãi suất được giao dịch là 3,6 tỷ hợp đồng, tăng 16% so với năm 2017.
Theo bà, điều gì tạo nên sự hấp dẫn của HĐTL TPCP, trong khi biến động lãi suất khá là thấp?
Mỗi một sản phẩm tài chính đều có những tính năng riêng phù hợp với nhu cầu mục đích đa dạng của các nhà đầu tư. Sản phẩm này đã ra đời từ lâu và đến thời điểm này vẫn phát triển cho thấy sự cần thiết của nó.
Với HĐTL TPCP, một trong các mục tiêu quan trọng nhất là giúp các định chế tài chính cũng như các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro, do vậy với mức biến động lãi suất thấp, khả năng sinh lời không cao nhưng hoàn toàn vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư có nhu cầu phù hợp.
Ngoài các sản phẩm phái sinh như HĐTL chỉ số, HĐTL TPCP, thì tiếp theo, khi nào nên có các sản phẩm phái sinh khác?
Đứng dưới vai trò của nhà đầu tư cũng như của CTCK, việc thị trường phái sinh có thêm nhiều hàng hóa khác là mong muốn chung. Và theo như xu hướng của các thị trường phái sinh đã phát triển trước ở các nước khác, các sản phẩm được mong chờ tiếp theo trên thị trường phái sinh Việt Nam đó là Hợp đồng quyền chọn, Hợp đồng tương lại trên cổ phiếu…
SSI là đơn vị luôn tiên phong đáp ứng đủ các tiêu chí và tham gia trong đợt đầu tiên của các sản phẩm mới như HĐTL chỉ số, CW và giờ là HĐTL TPCP. SSI có lo ngại “nguồn lực” bị phân tán hay không?
Với tinh thần và quyết tâm luôn là đơn vị tiên phong đối với các sản phẩm mới của thị trường chứng khoán, Ban lãnh đạo SSI chỉ đạo, các bộ phận phòng ban luôn phối hợp chặt chẽ, bám sát các quy định quy chế của cơ quan quản lý để xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm.
Đồng thời, SSI đã ban hành quy trình vận hành và chính sách sản phẩm, đào tạo nhân sự hiểu biết rõ về sản phẩm và giới thiệu sản phẩm để nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận. Khi đã có định hướng rõ ràng để phát triển thì chắc chắn SSI sẽ không lo lắng về nguy cơ không đủ nguồn lực triển khai hay nguồn lực bị phân tán.
Nhiều ý kiến cho rằng, HĐTL TPCP được thiết kế cho nhà đầu tư tổ chức là chính, như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư... và các nhà đầu tư cá nhân có danh mục đầu tư lớn. Với “đặc trưng” này, CTCK cần yếu tố gì để có thể cạnh tranh tốt trên thị trường này?
Họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có tuân thủ cao, do vậy, CTCK cần có hệ thống quản lý sản phẩm có cơ chế giao dịch phù hợp với quy định giao dịch của khách hàng tổ chức, quy trình phối hợp giữa CTCK và khách hàng chặt chẽ, chuyên nghiệp. Thông số quy định của sản phẩm rõ ràng minh bạch là một trong những điểm cạnh tranh của CTCK.
Các nhà đầu tư tham gia đa phần đều “có nghề”, vậy CTCK như SSI sẽ phát huy “vai trò” chính yếu nào trên thị trường HĐTL TPCP, thưa bà?
Đúng vậy, Và SSI sẽ chú trọng đến những yếu tố để KHTC có thể tham gia giao dịch sản phẩm dễ dàng, đáp ứng các quy định quản lý rủi ro của chính các tổ chức đó. Đồng thời, giới thiệu trao đổi trực tiếp với KH với mong muốn khách hàng nắm rõ được quy định và cơ chế vận hành của sản phẩm để khách hàng có thể chủ động giao dịch hiệu quả, đạt được mục tiêu khi tham gia sản phẩm.
Nói như vậy, “sân chơi” này không dành cho nhà đầu tư cá nhân, thưa bà?
Đối với nhà đầu tư cá nhân không có ý định đầu tư rủi ro với lợi nhuận kỳ vọng cao, mà có mục tiêu đầu tư có tính an toàn cao hoặc đầu tư để phòng ngừa rủi ro thì sản phẩm này vẫn có tính hấp dẫn riêng.
Trong thời gian đầu nhà đầu tư cá nhân chưa được tham gia sản phẩm này, tuy nhiên khi giới thiệu đến nhà đầu tư nói chung bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân cần nhấn mạnh điểm khác biệt của HĐTL TPCP so với HĐTL chỉ số mà hiện nay nhà đầu tư đã quen thuộc, ngoài các thông số về tài sản cơ sở, tỷ lệ ký quỹ ban đầu, cơ cấu phiên giao dịch (không có phiên ATC), tỷ lệ ký quỹ ban đầu khác nhau… , phần quy định về phương thức thanh toán khi đáo hạn theo hình thức chuyển giao vật chất là điểm khác biệt hoàn toàn mà nhà đầu tư cần chú ý.