Một cách tổng thể, Basel II giúp các ngân hàng có được nguyên tắc, tiêu chuẩn và phương pháp xác định, đo lường rủi ro, làm cơ sở để thực hiện tốt hoạt động quản lý tốt rủi ro, hướng tới phát triển ổn định và bền vững. Do vậy, một cách tự nhiên, hầu hết nhận thức về triển khai áp dụng Basel II là những gì liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro và các bộ phận quản lý rủi ro trong ngân hàng.
Tuy nhiên, để áp dụng thành công Basel II, cần thiết phải quán triệt nhận thức đầy đủ từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, triển khai thực hiện ở tất cả các bộ phận khác nhau trong ngân hàng, hay nói cách khác, để triển khai thành công Basel II, chỉ riêng bộ phận quản lý rủi ro là không thể, mà cần sự tham gia của toàn ngân hàng. Đặc biệt, việc triển khai phải có lộ trình thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia và hệ thống tài chính - ngân hàng của quốc gia đó.
Để có được nhận thức trên, chúng ta cần hiểu Basel II từ cơ sở, nền tảng mà Basel II được xây dưng nên và các yếu tố, mảng, lĩnh vực trong ngân hàng mà Basel II tác động đến.
Khác với Basel I, Basel II được xây dựng dựa trên 3 trụ cột. Trong đó, Trụ cột 2 và 3 thể hiện tính bao quát gần như toàn diện đối với hoạt động ngân hàng. Cụ thể: Trụ cột 2: đưa ra các công cụ và xác định được khung giải pháp đối với các rủi ro trong hoạt động ngân hàng trên các lĩnh vực khác nhau như: rủi ro tín dụng, rủi ro hệ thống, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro pháp lý… Trụ cột 3: đưa ra danh sách các yêu cầu mà ngân hàng cần tuân thủ trong việc công khai thông tin gồm: các thông tin về mức vốn, cơ cấu vốn; quy trình đánh giá rủi ro của ngân hàng đối với các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành…
Như vậy, có thể thấy, khi triển khai Basel II, các thông tin về rủi ro trên hầu hết hoạt động của ngân hàng (chứ không chỉ riêng rủi ro tín dụng) đều được đo lường, đánh giá theo tiêu chuẩn, quy trình cụ thể và được công khai minh bạch. Các nhóm rủi ro cụ thể sẽ được xác định, đo lường và công khai theo nguyên tắc, tiêu chuẩn và phương pháp thống nhất được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới: rủi ro về vốn, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động.
Một trong những nguyên tắc của Basel II là các ngân hàng cần xây dựng và duy trì một khuôn khổ tích hợp toàn diện vào quy trình quản trị rủi ro nói chung của mình. Ngày nay, không một ngân hàng nào xây dựng bộ phận quản lý rủi ro riêng và bao quát được toàn bộ rủi ro của ngân hàng. Trên thực tế, quản trị rủi ro của một ngân hàng nằm ở nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhiều bộ phận khác nhau của ngân hàng đó. Cũng như các hoạt động khác của ngân hàng, các bộ phận và các hoạt động của ngân hàng có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau và tất yếu việc quản trị rủi ro cũng được xuyên suốt các bộ phận, hoạt động khác nhau của ngân hàng. Do vậy, vai trò của các bộ phận khác nhau trong ngân hàng trong việc tham gia vào quá trình triển khai Basel II là rất quan trọng.
Một ví dụ cụ thể để thấy rõ vấn đề được đề cập ở trên: khi triển khai áp dụng quy định mới về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (Thông thư số 13/2010/TT/NHNN ngày 25/5/2010) thì rất nhiều bộ phận khác nhau của một ngân hàng tham gia vào việc xây dựng, giám sát các tỷ lệ này chứ không riêng bộ phận quản lý rủi ro.
Một yếu tố khác liên quan đến vai trò của các bộ phận khác nhau trong một ngân hàng trong việc tham gia triển khai Basel II là xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong hoạt động ngân hàng, cơ sở dữ liệu được hình thành hàng ngày và từ tất cả các bộ phận trong ngân hàng. Như vậy, các bộ phận khác nhau đều phải tham gia vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang tích cực triển khai áp dụng Basel II và có 10 ngân hàng được lựa chọn để áp dụng Basel II. Ở giác độ quản trị chiến lược, các ngân hàng đều nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai Basel II và tác động của nó đến việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng. Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ các ngân hàng đều ý thức được và đang triển khai xây dựng hệ thống quản trị rủi ro của riêng mình bên cạnh việc tuân thủ các quy định của NHNN.
Thực tế các ngân hàng ở Việt Nam còn nhiều khác biệt cả về quy mô, trình độ quản lý và cơ sở hạ tầng. Do vậy, việc triển khai Basel II không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai Basel II theo lộ trình của NHNN là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị tốt.