Basel II có ý nghĩa như thế nào đối với các ngân hàng Việt Nam nói chung và OCB nói riêng, thưa bà?
Triển khai Basel II sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh hơn, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn, từ đó mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững hơn. Đặc biệt, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn ra thị trường các nước phát triển khác.
Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống ngân hàng, tăng cường “sức đề kháng” của các ngân hàng trước những bất ổn và biến động của thị trường. Một khi việc quản trị rủi ro được thực hiện tốt, nền kinh tế sẽ hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng.
Tại OCB, Basel II đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính OCB, mà các khách hàng và cổ đông của Ngân hàng cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc triển khai Basel II thành công sẽ giúp chúng tôi tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.
Khi OCB triển khai thành công Basel II, khách hàng của chúng tôi được hưởng các quyền lợi về các điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh.
Tại sao OCB quyết tâm triển khai Basel II? Khó khăn và áp lực mà OCB gặp phải khi triển khai Basel II là gì?
Hiểu được việc quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với thế giới và cũng là cách để bảo vệ ngân hàng, khách hàng tốt nhất, OCB quyết tâm triển khai bộ tiêu chuẩn này. Basel II không chỉ giúp OCB giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra.
Tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II là khá khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn… Vì vậy, triển khai Basel II là một thách thức rất lớn, không chỉ với OCB, mà với tất cả các ngân hàng tại Việt Nam.
Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt, đó là tính đầy đủ và chất lượng của dữ liệu. Việc thu thập thông tin của hơn 40.000 khách hàng có giao dịch tín dụng, bảo lãnh, LC tại 117 điểm giao dịch của OCB trên cả nước chỉ trong 6 tháng, song song với công tác kinh doanh, quả thực là một quá trình hết sức vất vả.
Cùng với đó, việc thay đổi nhận thức, quan điểm về công tác quản trị rủi ro của cả hệ thống, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, chấp nhận từ bỏ các sản phẩm truyền thống nhưng có độ rủi ro cao và thay thế bằng các sản phẩm có mức rủi ro thấp hơn… cũng là thách thức không nhỏ… Khó khăn là vậy, nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết và nỗ lực, Ban Dự án Basel và OCB đã cùng nhau vượt qua tất cả.
Vậy đâu là giải pháp, cũng như thành tựu trong quá trình OCB triển khai Basel II, thưa bà?
Hiểu rõ những thách thức, OCB đã xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết với từng tiểu dự án, nội dung thực hiện tại từng giai đoạn. Ban Dự án được thành lập từ tháng 5/2016, nhưng trước đó, từ năm 2008, chúng tôi đã tạo dựng nền tảng cho Basel như đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, xây dựng mô hình quản lý rủi ro tiên tiến, xây dựng các chính sách, công cụ và hệ thống báo cáo theo chuẩn mực quốc tế…
Chúng tôi đã chọn các đối tác lớn, nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ OCB trong giai đoạn chuẩn bị cho Basel như đối tác chiến lược BNP Paripas, KPMG, DBS Singapore và các đối tác công nghệ như Temenos, IBM, Oracle…
Song song với đó, OCB còn tiến hành tuyển chọn và bồi dưỡng nhân sự, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn triển khai. Các kế hoạch truyền thông, đào tạo bài bản được lên kế hoạch xuyên suốt và liên tục trong 2 năm triển khai dự án cho từng hạng mục, giúp các bộ, nhân viên của OCB hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mình trong từng giai đoạn triển khai, cũng như tự hào về các thành tựu mà OCB đã đạt được nhờ vào sự đóng góp của từng thành viên.
Các thành tựu có thể kể đến như thu thập và hoàn thiện kho dữ liệu của hơn 40.000 khách hàng, triển khai 10 công cụ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro… OCB được tổ chức Moody's xếp hạng B2 - hạng cao nhất đối với một ngân hàng thương mại Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.
Sự kiện OCB triển khai sớm Basel II đã thu hút sự chú ý của các đối tác trong và ngoài nước. Điều này, đối với các cổ đông OCB là một lợi thế rất lớn. Đây là một cơ hội không thể bỏ qua để OCB lĩnh bước tiên phong, trở thành 1 trong 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam và vươn tầm châu lục trong thời gian không xa.