Theo lộ trình ban đầu, dự kiến năm 2018, 10 ngân hàng thương mại được lựa chọn thí điểm sẽ phải tuân thủ Basel II.
Dù NHNN đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn không ít hoài nghi về việc các ngân hàng Việt sẽ tuân thủ Basel II, nhất là khi cột mốc 1/1/2020 đã được chính thức ấn định cho tất cả các ngân hàng tại Việt Nam, với chuẩn mực là phương pháp tiêu chuẩn, từng được dự kiến là năm 2015 theo lộ trình ban đầu.
Thực tế, việc triển khai Basel II được nhận định chưa bao giờ dễ dàng tại các quốc gia, kể cả các nước phát triển, nên mục tiêu có 12-15 ngân hàng Việt đạt chuẩn Basel II vào năm 2020 được nhìn nhận là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, cuối tháng 11 vừa qua, NHNN đã ra quyết định công nhận Vietcombank, VIB đáp ứng chuẩn mực Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) sớm 1 năm so với quy định, đánh dấu một bước thành công quan trọng trong lộ trình triển khai Basel II của 2 ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung. Vậy hướng đi của Vietcombank, VIB là gì để các ngân hàng khác cùng tham khảo?
Vietcombank cho biết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, từ năm 2014, HĐQT Vietcombank đã chỉ đạo triển khai dự án phân tích chênh lệch giữa yêu cầu của Basel II với hiện trạng Vietcombank.
Trên cơ sở đó đưa ra lộ trình thực hiện với tổng cộng 82 sáng kiến nhằm đáp ứng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào năm 2018 và đáp ứng phương pháp nâng cao vào năm 2019.
Để triển khai Chương trình Basel II đảm bảo chất lượng, HĐQT Vietcombank đã thành lập bộ máy triển khai, bao gồm HĐQT, Ban triển khai Chương trình với Tổng giám đốc là Trưởng ban và các nhóm triển khai do các thành viên Ban lãnh đạo phụ trách trực tiếp điều hành.
Định kỳ hàng tháng, Ban triển khai họp để đánh giá tiến độ triển khai, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc.
Hàng quý, HĐQT họp để chỉ đạo định hướng, đảm bảo chất lượng triển khai phù hợp với chiến lược của Ngân hàng. Chương trình có phạm vi sâu rộng, với sự tham gia của trên 160 nhân sự đến từ trụ sở chính và các chi nhánh.
“Việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng trong năm 2018 cũng đã giúp tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank đạt 9,58%, đáp ứng tỷ lệ theo Basel II”, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho hay.
Tại VIB, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB chia sẻ một vài điểm chính: Ngân hàng sử dụng các chuyên gia có kinh nghiệm từ đối tác Commonwealth Bank of Australia (CBA) trong thời gian đầu để có những hiểu biết cơ bản, đồng thời hoạch định lộ trình cho việc thực hiện.
Tuy nhiên, đội ngũ triển khai mang tính chuyên môn sâu, từ cấp thành viên Ban điều hành tới cấp chuyên gia, thì 100% đều được lưạ chọn trong đội ngũ cán bộ VIB.
Bên cạnh đó, VIB vốn đã chú trọng phát triển ngân hàng kỹ thuật số và hệ thống ra quyết định kinh doanh dựa vào phân tích cơ sở dữ liệu tự động, nên có nền tảng để tiếp tục phát triển các ứng dụng phục vụ việc tính toán và quản trị tự động các chuẩn mực vốn, cũng như chiết suất các thông tin cần thiết có sẵn để phục vụ việc tính toán, bảo đảm tuân thủ các quy định tại Thông tư 41.
Về hệ thống kiểm tra, kiểm soát, theo ông Vũ, VIB luôn nhất quán trong việc phát triển hệ thống quản trị với 3 lớp hàng rào bảo vệ: Thứ nhất, các đơn vị kinh doanh và vận hành (your business, your control); thứ hai, các đơn vị chuyên trách độc lập chịu trách nhiệm kiểm soát rủi ro nằm dưới sự quản lý của Ban điều hành; thứ ba, hệ thống phối hợp với các bên kiểm soát độc lập với Ban điều hành như kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, các cơ quan thanh tra, giám sát từ bên ngoài…
“Với hệ thống kiểm soát sẵn có, cùng với việc hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình mới theo yêu cầu của Thông tư 41 và Thông tư 13/2018/TT-NHNN (về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tính toán hàng ngày về mức độ đủ vốn, chúng tôi tin rằng VIB đã có nền tảng tốt cho việc kiểm soát nội bộ, cũng như cung cấp công cụ và số liệu đầy đủ để các cơ quan chức năng giám sát việc tuân thủ chuẩn mực vốn mới”, ông Vũ nói.
Đối với kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn, ông Vũ cho biết, VIB đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua các phương án tăng vốn cấp I từ phát hành mới hoặc bán cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, tăng vốn cấp II cả từ nguồn trong nước và ngoài nước, phân bổ nguồn lợi nhuận kinh doanh giữa chia cổ tức tiền mặt với giữ lại để tăng vốn.