Theo quy định hiện hành, nhân viên thu phí bảo hiểm cũng phải tham gia các khóa đào tạo bancassurance

Theo quy định hiện hành, nhân viên thu phí bảo hiểm cũng phải tham gia các khóa đào tạo bancassurance

Triển khai bancassurance, ngân hàng kêu vướng

(ĐTCK) Hơn một tháng sau khi Thông tư liên tịch số 86/2014 của Liên bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, hành lang pháp lý cho hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm quả của ngân hàng (bancassurance) chính thức có hiệu lực, ghi nhận của ĐTCK cho thấy, vẫn có những băn khoăn của cả ngân hàng và phía DN bảo hiểm về quy định đào tạo đại lý .

Về phía các DN bảo hiểm nhân thọ, do có sự chuẩn bị từ trước với việc nghiên cứu các quy định về bancassurance tại các thị trường phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, nên khi Thông tư 86 có hiệu lực, việc triển khai kênh bán bảo hiểm còn khá mới mẻ ở Việt Nam này không gặp trở ngại gì nhiều. Các DN cũng tin tưởng, với hành lang pháp lý rõ ràng và dần được hoàn thiện, bancassurance sẽ là kênh phân phối chuyên nghiệp thứ hai sau kênh phân phối truyền thống là đại lý.

Đương nhiên, với hai DN bảo hiểm chuyên hoạt động bancassurance là Vietcombank Cardif và Vietinbank – Aviva (có vốn góp của ngân hàng) và một số DN bảo hiểm nhân thọ khác đang có hợp tác với ngân hàng trong phân phối bảo hiểm như AIA, Prudential, Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi, Generali, Hanwha… thì việc trước mắt vẫn là đẩy mạnh hoạt động này và chờ hái “quả ngọt” trong tương lai.

Với con số ước tính 11/16 DN bảo hiểm nhân thọ đang triển khai hợp tác với khoảng 30 ngân hàng phân phối đa dạng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, thì hy vọng trên là có cơ sở, khi kênh phân phối này mới đóng góp tỷ trọng doanh thu khá khiêm tốn, khoảng 2% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.

Tuy nhiên, đang có những vướng mắc nho nhỏ với quy định về đào tạo đại lý bảo hiểm tại Thông tư liên tịch 86/2014, mà theo một số ngân hàng và DN bảo hiểm, cần sớm được tháo gỡ, để “khơi thông” cho kênh bancassurance.

Cụ thể, Điều 11, Thông tư 86 quy định, hoạt động đại lý gồm một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động như thu phí bảo hiểm (thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho DN bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm) hay giới thiệu khách hàng cho DN bảo hiểm; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Nhân sự tham gia toàn bộ các hoạt động kể trên đều phải qua các chương trình đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm, tối thiểu là 4 giờ đối với 1 sản phẩm bảo hiểm thông thường và tối thiểu 16 giờ đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư. Điều đáng nói là, nhân viên ngân hàng chỉ cần đảm nhận hoạt động thu phí bảo hiểm cũng phải trải qua chương trình đào tạo kể trên...

“Yêu cầu về đào tạo đối với các nhân viên ngân hàng thực hiện chào bán bảo hiểm hay thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp lý, nhưng với người thu phí bảo hiểm thì không. Vì xét về bản chất, người thu phí chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không trực tiếp tham gia bán bảo hiểm, nên không cần đào tạo”, Phó giám đốc điều hành một DN bảo hiểm  nhân thọ có quy mô lớn nói.

Một lãnh đạo DN bảo hiểm đang triển khai bancassurance cho biết, DN ông cũng đang tính đến khả năng nhân viên ngân hàng từ chối tham gia các đào tạo, DN sẽ tạm thời không để ngân hàng thu phí cho đến khi có quy định sửa đổi.

Một chuyên gia trong ngành cũng kiến nghị, không chỉ với riêng nhân sự phụ trách việc thu phí bảo hiểm mà nên loại trừ đối tượng đào tạo với cả nhân sự giới thiệu khách hàng, trong khi đây là hoạt động chiếm đa số trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam hiện nay. “Quy định này cần sớm được sửa đổi, nếu không sẽ rất khó để các bên triển khai”, vị chuyên gia nói.

Thực tế, ngay từ giai đoạn lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch 86, đã có ý kiến kiến nghị sửa đổi quy định trên, nhưng cuối cùng không được tiếp thu.

Ghi nhận từ Bộ Tài chính, những bất cập trên đây sẽ có thể được tháo gỡ tại Thông tư tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 124/2012/TT-BTC được ban hành trong thời gian tới.

Tin bài liên quan