Tính trung thực của bảng giá và trường hợp không có giá tham khảo
Tại Hội nghị thành viên Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa qua, nhiều CTCK bày tỏ nỗi băn khoăn xung quanh việc xác định giá cổ phiếu tại thời điểm trích lập. Theo Thông tư 146, giá trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC dựa trên giá giao dịch thực tế, căn cứ vào bảng giá của 3 CTCK. Tuy nhiên, liệu bảng giá của những CTCK cung cấp đã đủ độ chính xác hay chưa và trong trường hợp xảy ra sai sót thì 3 CTCK đó có phải chịu trách nhiệm?
Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, quy định giá trích lập dự phòng nêu trên không mới vì đã được quy định trong Thông tư 228/2009/TT-BTC.
Trong quá trình soạn thảo Thông tư 146, cơ quan quản lý không nhận được phản hồi cũng như những vướng mắc của các CTCK liên quan đến băn khoăn nêu trên. Tuy nhiên, về tính trách nhiệm của các CTCK cung cấp bảng giá cổ phiếu, Thông tư 146 quy định, các CTCK cung cấp báo giá phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực về bảng giá cổ phiếu mình cung cấp.
Giá chứng khoán làm cơ sở để trích lập dự phòng là mức giá giao dịch trung bình theo báo giá của 3 CTCK có giao dịch tại thời điểm gần nhất, nhưng không quá 1 tháng tính đến ngày trích lập dự phòng.
Thông tư cũng quy định, người quản lý, điều hành của CTCK được lựa chọn báo giá và người quản lý, điều hành của CTCK/công ty quản lý quỹ nhận báo giá không phải là người có liên quan theo quy định của Luật Chứng khoán.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, so với Thông tư 228 thì thông tư mới ban hành đã giải quyết được nhiều bất cập. Mức dự phòng giảm giá chứng khoán đã được tính toán theo công thức cụ thể.
Liên quan đến tính trung thực của các CTCK trong việc cung cấp bảng giá, đại diện Bộ Tài chính cho hay, sau này, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Vụ Thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, ban hành các văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp CTCK vi phạm.
Một vấn đề khác được nhiều CTCK quan tâm, đó là trường hợp cổ phiếu của những doanh nghiệp mà CTCK đang đầu tư bị thua lỗ, phá sản nên không có giá để tham khảo.
Theo quy định trong Thông tư 146 thì những cổ phiếu này không phải trích lập dự phòng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Tài chính CTCK Sài Gòn cho rằng, điều này không phù hợp với nguyên tắc thận trọng khi hạch toán kế toán đối với một công ty đầu tư tài chính, vô hình trung mang lại một “bức tranh” không an toàn cho nhà đầu tư khi đầu tư vào CTCK đang có danh mục tự doanh bao gồm những cổ phiếu đó.
Nguy cơ lách luật
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Hãng Kiểm toán AASC cho biết, trong danh mục cổ phiếu OTC của nhiều CTCK hiện tại có không ít chứng khoán đã mất thanh khoản từ nhiều năm nay nên không phải trích lập. Điều này cho thấy, danh mục cổ phiếu OTC vẫn là một khối tài sản tiềm ẩn rủi ro, đe dọa tác động tiêu cực đến an toàn tài chính tại CTCK.
Ông Tùng cho rằng, Thông tư 146 không quy định rõ thế nào là “giao dịch thực tế phát sinh” nên đây có thể là kẽ hở cho CTCK “lách luật” bằng cách tạo ra các giao dịch ảo, để có cơ sở trích lập dự phòng, phản ánh không đúng tình hình tài chính tại CTCK.
Trước đây, do chưa có cơ sở trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, một số CTCK muốn minh bạch tình hình tài chính nên tìm cách trích lập giảm giá mang tính nội bộ, trong khi rất nhiều CTCK khác không trích lập. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trường hợp CTCK trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC mà loại khoản trích lập này ra khỏi lợi nhuận tính thuế thì không được cơ quan thuế chấp nhận. Vì thế, có CTCK phải nộp thêm tiền thuế do loại khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC ra khỏi lợi nhuận tính thuế.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định mới bao giờ cũng có nhiều ý kiến trái chiều, vấn đề là chúng ta đang hướng đến một thị trường tài chính ngày càng minh bạch và phát triển. Bản thân các CTCK nên tự ý thức về tính trung thực trong việc trích lập dự phòng.
“Đây cũng là suy nghĩ của những người khi đặt bút soạn thảo Thông tư 146”, đại diện Bộ Tài chính nói.