Tác giả tại Đại học Paris Dauphine (Paris, Pháp)

Tác giả tại Đại học Paris Dauphine (Paris, Pháp)

Trí tuệ cần có của một thành phố thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cũng giống như một cơ thể, các thành phố cũng có những cá tính, năng lực của riêng mình. Vậy nhưng, năng lực quan trọng của một thành phố thông minh trong tương lai là gì?

Paris, kinh đô của ánh sáng, nơi đón hàng trăm triệu lượt du khách mỗi năm, nhưng trong mắt nhiều người, Paris là nơi đáng đến, chứ chưa hẳn là nơi đáng sống. Một Thành phố Paris thông minh 2050 đang được đề xuất với nhiều viễn cảnh và tất yếu, những tranh luận về tương lai của Paris đã diễn ra, không chỉ với người dân bản địa, mà với cả những người khách tình cờ ở lại và trót yêu thành phố này.

Tôi là một người như vậy, thời gian với Paris không nhiều nhưng đủ yêu, dù chưa đong đầy như với Hà Nội. Những viễn cảnh đặt ra với Paris hay những đô thị lớn khác như New York, Singapore có thể sớm thôi sẽ là nhu cầu với Hà Nội, nơi mang trong mình những gì tĩnh lặng, cổ kính nghìn năm, sẽ phải chuyển mình và bồi bổ thêm những năng lực mới, những cá tính mới.

Hơi thở của thành phố

Định hướng phát triển thành phố ở cấp vĩ mô có lẽ cũng giống như chúng ta xây một ngôi nhà ở cấp độ vi mô, trước hết cần xác lập rõ nhu cầu, rồi tiếp đến tổ chức thiết kế và thi công. Với thành phố thông minh, chúng ta đang ở giai đoạn đầu xây dựng với những khái niệm “nhập khẩu”, do vậy việc quan trọng đầu tiên là các bên tham gia và người dân phải thực sự thấm nhuần tầm nhìn, nhu cầu đối với các thành phố tương lai, nơi định cư của những người dân với nền văn hóa và cá tính riêng. Từ đó, xây dựng định hướng, thiết kế, cũng như giải pháp phát triển hợp lý.

Vậy, nên hiểu nội hàm của một thành phố thông minh như thế nào? Một thành phố thông minh chắc chắn không chỉ đơn giản là một thành phố với nhiều tòa nhà cao tầng và nhiều cây xanh, mà thành phố thông minh cần được hiểu là việc ứng dụng công nghệ số để thiết kế, xây dựng và vận hành thành phố có “trí tuệ” của riêng mình. Trí tuệ đó có khả năng kết nối tối ưu, tối ưu hóa công năng, tối thiểu hóa tiêu hao năng lượng và phát thải, tối đa hóa tiện ích dành cho người dân. Đặc biệt, trí tuệ đó cần hiểu được văn hóa Việt Nam, tôn vinh cái đẹp, loại bỏ và giảm thiểu những hành xử thiếu văn minh.

Thành phố thông minh không chỉ là nơi ở, sinh hoạt, giải trí thuận tiện cho người dân, mà phải là không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo quy mô lớn, hỗ trợ thúc đẩy sự thịnh vượng của khối doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Do đó, một thành phố thông minh cần có hệ thống dịch vụ công ích thông minh, hệ thống y tế thông minh, hệ thống giao thông thông minh, khả năng kết nối tối ưu…, bên cạnh các tòa nhà thông minh.

Năng lực của thành phố

Theo hướng tư duy đó, tôi cho rằng, chúng ta cần xác lập rõ những năng lực, cá tính mà một thành phố cần có để từ đó xây dựng định hướng và giải pháp phát triển trong dài hạn.

Năng lực quan trọng đầu tiên một thành phố hay một quốc gia cần có là tính kiên cường và khả năng thích ứng với những thách thức mới và những vấn đề không lường trước được.

Bên cạnh các cơ hội, bối cảnh hội nhập, dịch bệnh xuất hiện với tần suất ngày một nhiều, các sáng kiến cách mạng về công nghệ cũng đặt ra những thách thức và cơ hội cho các thành phố trong tương lai, đó là làm sao để thích ứng nhanh với những diễn biến có mức độ bất định và không lường trước ngày càng gia tăng (như đại dịch Covid), trong khi phải đảm bảo những giá trị, nền tảng không thể thay đổi một sớm một chiều như cơ sở hạ tầng giao thông, đường sá, cơ cấu kinh tế, hay thói quen của người dân đã được định hình từ xa xưa vận hành nhịp nhàng mà không bị gián đoạn.

Theo khía cạnh này, thì việc ứng dụng các giải pháp số là cần thiết để tăng cường tốc độ, khả năng thích ứng linh hoạt của thành phố để điều chỉnh và thích nghi với bối cảnh mới. Chẳng hạn, với đại dịch Covid vừa qua, chúng ta cần giải quyết được bài toán làm thế nào để những đồ dùng thiết yếu như khẩu trang, các trang thiết bị y tế, hay các nhu yếu phẩm cần thiết khác đến được đúng đối tượng cần ưu tiên. Hay làm thế nào để chúng ta tổ chức giám sát được quá trình di chuyển, cách ly của người dân nhanh nhất, tiện nhất mà vẫn đảm bảo xã hội vận hành nhịp nhàng?

Những bài toán này được Singapore nhanh chóng giải quyết trong 4 ngày với ứng dụng các ứng dụng SupplyAlly và SafeEntry. Trong đó, ứng dụng SupplyAlly theo dõi việc phân bổ tới lực lượng y tế và người dân có nhu cầu cấp thiết, đảm bảo chính xác và công bằng, trong khi ứng dụng SafeEntry giám sát quá trình di chuyển, tiếp xúc của người dân và hỗ trợ sàng lọc y tế.

Tất nhiên, các ứng dụng công nghệ không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề, nhưng ít nhất công nghệ có thể giúp truyền tải thông tin nhanh nhất, theo dõi quá trình cung cấp dịch vụ chính xác, công bằng nhất. Công nghệ giúp tăng tính kiên cường của thành phố trước những thách thức như khủng hoảng dịch bệnh như trên.

Năng lực thứ hai của thành phố thông minh là năng lực liên kết để tối ưu. Chúng ta đang đứng trước thách thức về nguồn lực, do đó một thành phố thông minh cần có các giải pháp kết nối đồng bộ để tối ưu các nguồn lực bền vững, cả của xã hội và người dân, trong khi đảm bảo tiêu chuẩn sống và tạo các cơ hội tốt nhất cho người dân.

Lấy ví dụ như thành phố New York. Là một phần trong kế hoạch thành phố thông minh, Cục Bảo vệ Môi trường Thành phố đã triển khai hệ thống đọc đồng hồ tự động quy mô lớn để có được thông tin nhanh hơn về mức tiêu thụ nước, đồng thời cung cấp cho khách hàng một công cụ hữu ích để kiểm tra lượng nước mỗi ngày. Thành phố cũng triển khai sử dụng các thùng rác thông minh, chạy bằng năng lượng mặt trời để theo dõi mức độ xả rác và đảm bảo việc thu gom rác được thực hiện thường xuyên.

Hay với năng lực liên kết giám sát giao thông, Singapore đã triển khai hệ thống giao thông One Monitoring - cổng thông tin toàn diện, giúp người dân có thể truy cập thông tin giao thông được thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và trên xe taxi bằng GPS. Đồng thời, hệ thống cũng cung cấp thông tin hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe.

Năng lực thứ ba là năng lực số. Cở sở hạ tầng như đường sá, hệ thống xe điện, hàng không, hay các công trình tiện ích luôn cần thiết để tạo sự thuận tiện cho người dân và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí, hay những nhu cầu thường ngày của người dân. Tuy nhiên, trong một bối cảnh mới, bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta cần xây dựng những năng lực về cơ sở hạ tầng mới, đó là cơ sở hạ tầng năng lực số.

Chúng ta cần kiện toàn hệ thống định danh quốc gia giống như hệ thống Singpass của Singapore. Với tấm thẻ Singpass, người dân có thể thực hiện mọi giao dịch với các cơ quan công quyền hay ngân hàng và doanh nghiệp. Người dân có giải quyết những nhu cầu hàng ngày như ký đơn mua bảo hiểm, đăng ký khám chữa bệnh qua hệ thống này mà không cần phải đến nơi trực tiếp.

Hay với hệ thống thanh toán, Việt Nam đã làm được rất nhiều thứ, nhưng cần tiếp tục phát triển, nâng cấp và kiện toàn để làm sao người dân có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền tới số điện thoại của người thụ hưởng mà không cần biết tài khoản của người thụ hưởng đang được mở tại ngân hàng nào. Hay phát triển hệ thống QR code duy nhất của quốc gia để giảm phiền hà cho người sử dụng và tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán.

Bên cạnh 3 năng lực cần bồi bổ của một thành phố thông minh kể trên, tôi cho rằng, chúng ta phải đặc biệt chú ý phát triển các năng lực, kỹ năng mới của lực lượng lao động, của cộng đồng dân cư như năng lực số hóa, khả năng sử dụng các công cụ số và thiết bị hiện đại. Đồng thời, cần bồi bổ những nét văn hóa thích ứng với những bước phát triển và bối cảnh mới, bên cạnh việc duy trì và phát huy những đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Tin bài liên quan