Dù Chính phủ quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng “bệnh” chậm giải ngân vẫn chưa dứt

Dù Chính phủ quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng “bệnh” chậm giải ngân vẫn chưa dứt

Trị "bệnh" chậm giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Vốn đầu tư công tiếp tục được giải ngân khá chậm, cần “chẩn” được bệnh và tìm giải pháp để xử lý.

Bệnh “kinh niên” chưa dứt

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức hôm 5/4/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị Chính phủ phê bình nghiêm khắc 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao; 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Đồng thời, yêu cầu các bộ, địa phương này kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.

“Các bộ, ngành, địa phương báo cáo việc chậm giải ngân là do một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải ngân chậm là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng một cơ chế, chính sách, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, song có bộ, địa phương giải ngân rất thấp, đến nay còn 29 đơn vị chưa giải ngân.

Đây là câu chuyện không mới, thậm chí là quá cũ, bởi gần như năm nào cũng được nhắc tới. Chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng vậy, là bệnh kinh niên, song sau 2 năm Covid-19, dù Chính phủ quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng bệnh vẫn chưa dứt.

Thậm chí, ngay cả nguyên nhân khách quan cũng không mới, gần như tương tự những tháng đầu năm 2021. Đó là giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng, làm cho tiến độ thi công dự án chậm lại, nhiều nhà thầu thi công theo kiểu “cầm chừng” để chờ giảm giá, vì nếu thi công sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Thế nên, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Con số được Bộ Tài chính báo cáo, đến hết tháng 3/2022, tỷ lệ giải ngân mới đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức 13,17% của năm 2021. Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công chung chậm, mà nhiều dự án trọng điểm cũng chậm tiến độ.

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến nay mới giải ngân được 1.506,648 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch năm 2022 (16.865,645 tỷ đồng). Trong đó, có 2 dự án thành phần đang thi công rất chậm so với kế hoạch đề ra. Dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt lũy kế khối lượng thực hiện mới đạt 1,81%, chậm 6,79% so với kế hoạch đề ra. Còn đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì lũy kế khối lượng thực hiện mới đạt 28,4%, chậm 8,89% so với kế hoạch đề ra.

“Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền, do chủ quan từ phía nhà thầu, phải làm rõ là như thế nào. Nếu đợi đến tháng 6 mới đổi nhà thầu thì sợ không kịp, bởi hết năm nay là phải hoàn thành rồi”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói.

Là người sâu sát tiến độ từng dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Phó thủ tướng Lê Văn Thành rất sốt ruột khi đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn đang thiếu khoảng 1 triệu khối vật liệu đất đắp nền, còn đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thiếu 0,7 triệu khối, trong khi thời gian còn lại không còn nhiều, mùa mưa cũng sắp đến.

Không được lùi tiến độ

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng hơn 1.900 km cao tốc, với nguồn lực trên 500.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng trong năm nay, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, phải hoàn thành được 361 km.

“Không được lùi tiến độ, 361 km này phải hoàn thành trong năm nay. Giai đoạn II, là 729 km, cũng đã đưa ra các mốc tiến độ cụ thể, cũng không được lùi tiến độ”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói và một lần nữa nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp triển khai xây dựng các dự án cao tốc, cũng như Dự án Sân bay Long Thành.

“Với Sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo mục tiêu là khánh thành vào ngày 2/9/2025, do vậy tất cả các mốc tiến độ đều không thể chậm được nữa”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Là một dự án trọng điểm, nhưng nhiều năm nay, ngay cả tiến độ triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã chậm. Do vậy, không phải không có lý khi Chính phủ rất sốt ruột về tiến độ chung của Dự án.

“Chúng tôi sẽ cố gắng có quy trình xử lý phù hợp với tình trạng ‘xôi đỗ’, ‘da beo’ trong việc giải phóng mặt bằng dự án quan trọng này. Đồng Nai sẽ thực hiện rất quyết liệt để đảm bảo tiến độ chung của Dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cam kết.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ tháng 4/2022, Thành phố sẽ tổ chức giao ban thường xuyên để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước cũng là một trong những địa phương có tiến độ giải ngân khá chậm trong quý đầu năm.

Năm nay, ngoài ngân khoản hơn 518.000 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách 2022, còn có hàng chục ngàn tỷ đồng của ngân khoản 113.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội dành cho dự án hạ tầng. Do vậy, áp lực giải ngân vốn là không nhỏ.

“Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải coi việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, gây lãng phí”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. “Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hàng loạt giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Một trong số đó là rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm triển khai sang các dự án giải ngân thấp. Năm nay, việc này đã được đẩy lên trong nửa đầu năm, thay vì tới cuối quý III như những năm trước.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ danh mục các dự án thực hiện trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Nếu các dự án này sớm được chuẩn bị và đưa vào triển khai, tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện.

Cho đến nay, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã giải ngân được 9,528 tỷ đồng, đạt 3,7% kế hoạch được giao. Nguyên nhân giải ngân chậm là do ngày 21/2/2022, Dự án mới được giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương.

Còn Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù đã được bố trí trên 22.855 tỷ đồng (tính lũy kế đến hết năm 2021), nhưng đến nay mới giải ngân đạt 64,32% tổng kế hoạch đã giao.

Tin bài liên quan