Dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home. Ảnh: Việt Dũng

Dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home. Ảnh: Việt Dũng

Tréo ngoe thủ tục mua nhà xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có nhu cầu ở thực, nhưng nhiều người vẫn ngại thuê, mua nhà ở xã hội vì lý do thủ tục…

Đoạn trường mua nhà ở xã hội

Dù đã chuyển vào ở được hơn 2 năm, nhưng bà N.T.D cùng nhiều cư dân đang sinh sống tại dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home tại TP. Thủ Đức, TP.HCM vẫn đang loay hoay với đống hồ sơ, thủ tục mua nhà do hồ sơ làm trước đây chưa hợp lệ.

Theo bà D, một trong những giấy tờ mà người mua nhà ở xã hội bắt buộc phải có là xác nhận thực trạng nhà ở của UBND cấp xã/phường nơi đăng ký thường trú/tạm trú. Tuy nhiên, để được xác nhận, người làm hồ sơ phải cung cấp bản sao công chứng giấy chứng nhận nhà đất nơi thường trú/tạm trú cho UBND cấp xã/phường.

“Thủ tục này rất khó đáp ứng. Khi đang ở trọ, nếu muốn có giấy xác nhận thực trạng nhà ở thì chủ nhà trọ phải cho một bản sao công chứng giấy chứng nhận nhà đất. Thử hỏi, có bao nhiêu chủ nhà trọ sẵn lòng giúp đỡ người thuê trọ, cung cấp giấy tờ nhà đất quan trọng như vậy cho người lạ”, bà D băn khoăn.

Sau nhiều lần nài nỉ, cuối cùng chủ nhà trọ cũng đồng ý hỗ trợ thủ tục này. Tuy nhiên, sau khi nộp bản sao công chứng giấy chứng nhận nhà đất của chủ nhà trọ, bà D được cán bộ UBND phường tại nơi tạm trú xác nhận “chưa sở hữu nhà ở tại phường” trong Mẫu đơn 04.

Nghĩ rằng đã xong, nhưng sau đó Sở Xây dựng TP.HCM trả lại hồ sơ và cho biết, UBND phường không được điền thêm thông tin gì khác, chỉ cần đánh dấu vào một trong các mục có sẵn trong Mẫu đơn 04.

“Tôi mang hồ sơ đến UBND phường đề nghị làm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng Thành phố thì cán bộ phường nói chỉ xác nhận cho tôi chưa có nhà tại phường này thôi, còn việc tôi sở hữu nhà tại nơi khác hay không thì không thể xác nhận được”, bà D nói và cho biết thêm, chỉ có việc xác nhận chưa sở hữu nhà ở nhưng 2 cơ quan cứ đùn đẩy, cho nên suốt nhiều năm qua vẫn chưa làm xong giấy xác nhận thực trạng nhà ở.

Ngoài điều kiện về cư trú, nhiều hộ gia đình tại dự án nhà ở xã hội nêu trên cũng đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” về mức thu nhập hiện tại và nhiều vấn đề liên quan.

Đơn cử như trường hợp của anh N.A.Đ, năm 2019, thời điểm làm hồ sơ để đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án thì anh vẫn còn độc thân, thu nhập lúc đó khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bước sang năm 2020, anh chuyển vào “nhà mới” sinh sống và lập gia đình, mức thu nhập của bản thân hiện tăng lên 15 triệu đồng/tháng.

“Sau 2 năm chuyển về đây, cuộc sống nhiều người đã thay đổi, chủ yếu là tốt hơn, phát triển hơn vì được ‘an cư’, không còn lo nay đây mai đó nữa, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không đáp ứng điều kiện để mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành”, cư dân này lo lắng.

Nỗi lo vẫn còn

Dù Luật Nhà ở sửa đổi đã tháo gỡ nhiều “rào cản” để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn, nhưng nỗi lo vẫn hiện hữu.

Nhằm tạo thêm cơ hội sở hữu nhà ở với nhu cầu chính đáng của người dân, Luật Nhà ở sửa đổi mới được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới. Cụ thể, Luật đã bãi bỏ điều kiện cư trú, đối tượng thuê nhà ở xã hội không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập, bởi đã là công dân Việt Nam thì đều được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở.

Với tiêu chí thu nhập, ở luật cũ, người được mua nhà ở xã hội phải có thu nhập ở dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là dưới 11 triệu đồng/tháng. Nếu thu nhập cao hơn mức này thì hồ sơ sẽ bị loại. Thực tế chứng minh tiêu chí này không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, bởi nếu ở mức thu nhập như vậy, người lao động không thể đáp ứng được nhu cầu cho vay của ngân hàng khi vừa phải trang trải tiền sinh hoạt, vừa phải trả nợ tiền gốc, tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng. Do đó, luật mới đã sửa đổi, nâng mức thu nhập chịu thuế lên 15 triệu đồng/tháng.

Dù Luật Nhà ở sửa đổi đã tháo gỡ nhiều “rào cản” để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn, nhưng nỗi lo vẫn hiện hữu.

Anh L.T.T (28 tuổi, công nhân, hiện đang thuê trọ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới lập gia đình và đang có nhu cầu tìm mua nhà ở xã hội cho hay, một tập đoàn bất động sản mới thông báo “mở sổ” nhận hồ sơ đăng ký đăng ký thuê nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh với giá cho thuê tạm tính là 100.000 đồng/m2/tháng.

Sau thời gian thuê tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê, chủ đầu tư dự án được phép bán quỹ nhà ở này cho người đang thuê hoặc đối tượng quy định tại Điều 49 - Luật Nhà ở theo giá bán quy định tại Điều 21 - Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

“Khu nhà ở xã hội này tọa lạc trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, gần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Chợ Lớn, cách chỗ tôi làm việc khoảng 10 km, nhiều tiện ích hiện hữu… Đây là nguồn cung nhà ở xã hội hiếm hoi tại TP.HCM trong năm nay và có thể nói là cơ hội tốt cho người thu nhập thấp có thể sở hữu nhà”, anh T nói và chia sẻ thêm, thế nhưng, sau khi được hướng dẫn về thủ tục đăng ký thuê thì không khỏi lo lắng bởi hồ sơ đăng ký thuê đối với trường hợp là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị quá nhiều, bao gồm: Đơn đăng ký thuê (2 bản chính/người); giấy tờ chứng minh về đối tượng theo quy định của pháp luật; giấy tờ chứng minh điều kiện thực trạng nhà ở; giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú; giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập; giấy tờ về nhân thân…

“Luật Nhà ở sửa đổi đã được thông qua, nhưng phải tới ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực. Ở thời điểm hiện tại, thủ tục vẫn thực hiện theo quy định cũ nên vẫn rất nhiêu khê”, anh T rầu rĩ nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cho hay, quy định hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình cũng là rào cản cần được sửa đổi.

Trao đổi xung quanh những khúc mắc trên, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều phản ánh của cả chủ đầu tư dự án lẫn người mua nhà ở xã hội về việc xác nhận thực trạng nhà ở. Hầu hết người mua đều khai chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều UBND cấp xã/phường không xác nhận theo mẫu vì cho rằng địa phương chỉ xác nhận đương đơn có sở hữu nhà hay không tại nơi thường trú/tạm trú. Có trường hợp UBND cấp xã/phường chỉ xác nhận bằng chữ ký hoặc chỉ xác nhận đương đơn tự cam kết và tự chịu trách nhiệm.

“Những xác nhận như trên của UBND cấp xã không đúng theo yêu cầu của Thông tư 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015, nhưng nếu yêu cầu phải xác nhận đúng theo mẫu sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương và gây ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội của của người dân”, ông Khiết nói và chia sẻ thêm, để giải quyết những vướng mắc này, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản trình UBND Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn lại việc xác nhận thực trạng nhà ở hoặc chấp nhận xác nhận của UBND cấp xã/phường theo hướng đương đơn tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp.

Về xác định thành viên hộ gia đình để xác nhận “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn theo hướng xác định hộ gia đình chỉ gồm cha, mẹ và con chưa thành niên để tạo điều kiện cho các trường hợp khó khăn về chỗ ở được mua nhà ở xã hội.

Tin bài liên quan