Trên chuyến tàu về quê ăn Tết

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết

(ĐTCK) Máy bay cho ta thấy mây, xe hơi cho ta một chỗ ngồi êm ái, nhưng chỉ đoàn tàu mới mang đến cảm giác chìm nghỉm trong những con người đang khao khát trở về quê hương khi năm hết Tết đến.

1. Thời bây giờ không thiếu phương tiện di chuyển về quê thuận lợi và dễ dàng hơn những chuyến tàu. Từ những chiếc xe giường nằm êm ru, những chiếc limousine sang trọng hay người có điều kiện thì thuê hẳn xe taxi, xe ô tô tự lái về.

Nhưng lạ thay, suốt những năm tháng về sau, dù đã quen với máy móc của văn minh, với những chuyến xe khách tiện nghi ngược xuôi, vậy mà lòng tôi vẫn đau đáu với ký ức chuyến tàu Tết về quê đầu tiên trong đời mình. Thế giới chòng chành lắc lư trong những toa tàu bụi bặm, mùi gỉ sét của gờ sắt cũ trên cửa sổ lưới, ghế gỗ sơn phết mộc mạc… cứ khắc sâu trong tâm trí. Tất cả mãi không thể tan đi.

Như đứa trẻ hắt hiu đợi tàu đêm trong truyện ngắn của Thạch Lam, tôi cũng trải qua tuổi thơ ở miền quê nghèo ở vùng núi Lào Cai. Vùng đất mà sự hiện diện của văn minh với một đứa bé quê không có gì ngoài hình ảnh những toa tàu sáng đèn, xé gió lướt qua với một hồi còi vang vọng lúc trời gần sáng.

Cũng giống như hai đứa trẻ trong trẻo kia, tôi luôn nhắm mắt mơ về một thế giới lộng lẫy văn minh mỗi khi nghe cha kể về những chuyến tàu đi buôn của ông. Thời còn ngăn sông cấm chợ, những người đi buôn như bố phải phải nhảy bung ra khỏi toa tàu để tẩu thoát khi có phòng thuế kiểm tra.

2. Khi tôi học năm nhất đại học cách đây khoảng 15 năm, nơi sân ga Trần Quý Cáp (khu B ga Hàng Cỏ, đường Trần Quý Cáp) chật cứng người, tôi đã lên chuyến tàu đầu tiên, ngược về miền quê nghèo ăn Tết cùng gia đình. Hòa vào dòng người tất bật, tay tôi cũng cũng lỉnh kỉnh với một đống quần áo, bánh trái hối hả ra sân ga.

Trong mấy ngày này, dù chọn bất cứ phương tiện nào thì giá vé đều có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 lần. Vì vậy, để được về nhà ăn Tết đúng ngày 27, trùng với ngày giỗ ông nội, tôi cũng trải qua biết bao nhiêu nhọc nhằn.

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết ảnh 1

Thời ấy muốn mua được một chỗ ngồi chẳng mấy tiện nghi trên tàu cũng phải bon chen dữ lắm, chứ chẳng được ngồi nhà mua vé online như bây giờ.

Với số lượng người có nhu cầu đi lại rất đông trong những ngày giáp Tết, trong khi số lượng ghế trên tàu có hạn, nên nhiều người không thể mua được chỗ ngồi đàng hoàng, họ chấp nhận mua vé phụ, vé ké, miễn sao có thể kịp về quê ăn Tết.

Nhưng như thế còn hơn khối người phải lèn nhau trên những chuyến xe khách chật như nêm, không có chỗ cựa mình. Đặc biệt, với đường sá khó khăn lên vùng phía Bắc khi đó, đi những chuyến xe khách như thế nguy hiểm luôn rình rập.

3. Khoảng 9 rưỡi tối, con tàu bắt đầu chuyển mình ra khỏi ga Hàng Cỏ. Hà Nội nằm lại đằng sau lưng với phố phường rực rỡ ánh đèn. Hé mắt nhìn ra bên ngoài từ khung cửa sổ gỉ sắt, tôi không thấy rõ bất cứ vật gì, chỉ nghe tiếng gió vù vù thổi bạt hai bên tai khi con tàu đi vào núi rừng.

Trong đêm, những tiếng ồn trên tàu bị làm nhỏ lại hoặc bị che lấp bởi tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt. Thỉnh thoảng, tôi có nghe tiếng khóc của một vài em bé, tiếng hát ru con của các bà mẹ, vài tiếng nói thì thầm hay tiếng ngáy của mấy tay đàn ông.

Những khoảng không gian ban ngày bỏ trống như lối đi chính giữa, thì bây giờ đã được lấp gần đầy. Họ xem nơi đây là một chỗ ngủ tiện lợi, vì chỉ cần trải lên sàn một vài tờ báo hay chiếc áo mưa là xong. Nhiều người bị chèn ép, nửa nằm nửa ngồi giữa những hành lý ngổn ngang. Ngay sát chỗ tôi là một gia đình đang lèn sát vào nhau để chống chọi lại cái lạnh của vùng cao.

Cứ đi được khoảng vài tiếng, tàu lại tu lên một đoạn còi dài. Đó là khi nó dừng chân lại một sân ga. Chỉ trong vài phút, người lên kẻ xuống tấp nập, những người bán hàng rong và người đi tàu đang kỳ kèo trả giá từng túi bánh, chai nước khiến không gian tĩnh lặng bị xé tan.

4. Bây giờ thì tôi đang ngồi đây, trên chuyến tàu trở về quê nhà. Lâu lắm mới lại đi tàu về quê. Cái quyết định đi tàu vẫn nảy ra trong đầu tôi với một cảm giác về sự an toàn. Nhưng sau 15 năm, hình như còn có thứ gì đó hơn thế. Có lẽ là nhu cầu tìm lại một chút ký ức, một chút tự tại về thời gian khi cuộc hành trình trở về không vội vàng hay áp lực gì.

Tôi vẫn lên tàu trong một buổi đêm lạnh giá. Cái thế giới làng quê quen thuộc lướt đi bên ngoài. Những rẫy mía, vườn chuối, nhà tranh vách đất sát đường tàu… dần nhỏ lại rồi bị đoàn tàu bỏ lại phía sau. Tôi nghe tim mình nhảy nhót theo nhịp xình xịch của bánh sắt. Tôi cảm nhận sự lắc lư và sức néo giữ thăng bằng của những khớp toa kết nối. Tôi nghe tiếng xé gió phàng phàng trong đêm đông se sắt. Tôi nghe mùi làng quê váng vất trên những mái tranh quê theo gió lồng lộng phả vào toa tàu.

Còn tàu vẫn thế. Vẫn có toa tàu với những ghế gỗ, nhưng nội thất bên trong tàu có những thay đổi mới mẻ, hiện đại hơn. Vẫn những thanh âm cọc cạch, chuyển động tròng trành và tiếng xình xịch xình xịch của bánh sắt nghiến lên thiết lộ. Vẫn những cuộc gặp gỡ thoáng qua, tiếng hỏi han giữa những người xa lạ mà có khi chỉ có duyên quen nhau trong một quãng ngắn của cuộc hành trình.

Ngồi cạnh tôi là 2 mẹ con người phụ nữ, mẹ tuổi ngoài 50, cùng cô con gái tuổi tầm 18. Suốt buổi tối, tôi với bà thì thầm nói đủ thứ chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối của những người cùng lớn lên nơi biên ải xa xôi. Hết vụ lúa, gieo mạ, đến đàn vịt, đàn gà… đang nuôi dở. Và khi hỏi đến kế sinh nhai đang làm nơi thành thị, thì bà vui tươi nói: “Tôi làm nghề nhặt ve chai. Tôi thuê một căn nhà xập xệ trong khu ổ chuột vùng ven đô với giá 700.000, ở cùng cô con gái năm nay là sinh viên năm nhất”.

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết ảnh 3

Bà cũng chia sẻ với tôi, tiền vé về quê lần này bà cũng phải chắt chiu, dành dụm từ mấy tháng trước. Với người giàu thì không đáng bao nhiêu, chứ người sống dựa vào mấy bãi phế liệu như bà thì mấy trăm ngàn là tiền ăn cả tháng của 2 mẹ con.

“Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đến Tết vẫn phải thu xếp để về với quê hương cô ạ. Lương tâm ai cũng thế thôi, ai cũng nhớ về quê cha đất tổ mà. Cứ xách túi đi ra tàu là sướng lắm, phấn khởi, hào hứng lắm. Chẳng cần ăn cũng được, như chiều nay, về trễ không kịp nấu gì ăn, nhưng cũng không thấy đói, được về quê là vui lắm rồi”, mắt bà long lanh trong những niềm hạnh phúc thật bình dị.

5. Bình minh sắp lên. Chỉ còn vài phút nữa là tôi sẽ đến ga Lào Cai. Ở miền núi cao, bình minh bao giờ cũng dậy sớm hơn một chút. Đôi tình nhân ngồi đối diện cũng vừa thức giấc. Cô gái đang soi gương chải lại mái tóc trong khi cậu bạn trai lấy đồ.

Hơn 5 giờ sáng, nhiệt độ ở vùng núi cao có khi chỉ nhỉnh hơn 7 độ, vậy mà tôi đi như không hề cảm thấy cái rét như kim châm. Tôi đang vui, niềm vui của một kẻ đi xa lâu ngày trở về. Tôi muốn nói, muốn gặp một ai đó để chào hỏi thật to, thật hồ hởi. Thế mà đi mãi trên con đường vào bản, tôi chẳng gặp một ai. Rét quá, có lẽ mọi người ngồi cả trong bếp, trốn cả trong chăn rồi.

Rẽ vào ngõ, bước vào nhà gọi mẹ, tôi như bỏ lại hết những năm tháng chật vật kiếm sống ở sau lưng. Khi đó mới thấy, chỉ có quê hương, chúng ta mới có những ngày Tết nồng nàn đến thế.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan