Đây là nhóm giải pháp đầu tiên trong 3 nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được ban hành trong năm nay.
Theo nghị quyết trên, doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) tối đa 60 ngày đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định có tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tính vào chi phí hợp lý đối với khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động tối đa không quá 1 tháng lương.
Nội dung này sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể theo hướng các khoản mà doanh nghiệp chi thăm hỏi người lao động khi gia đình có người chết; chi hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động về quê ngày Tết, ngày lễ; chi tiền tử tuất cho người lao động.
Tiền sửa chữa, duy tu nhà ở công nhân do doanh nghiệp đầu tư, bao gồm cả tiền chi cho dịch vụ công cộng xung quanh nhà ở công nhân cũng được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo Nghị quyết của Chính phủ, doanh nghiệp có doanh thu từ 50 tỷ đồng/năm trở xuống (hiện tại là 20 tỷ đồng trở xuống) được khai thuế GTGT theo quý. “Với quy định này sẽ có trên 90% số doanh nghiệp chỉ phải kê khai, nộp thuế GTGT mỗi năm 4 lần, thay vì 12 lần như hiện nay”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Bùi Văn Nam cho biết.
Giải pháp giảm số lần nộp thuế GTGT cho doanh nghiệp có doanh thu từ 50 tỷ đồng/năm trở xuống, theo ông Nam không chỉ giảm được thời gian, chi phí, công sức cho doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng tiền thuế GTGT bổ sung vào nguồn vốn lưu động với thời gian tối đa lên đến 90 ngày.
“Thuế GTGT là thuế gián thu, người nộp thuế là người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ thuế cho ngân sách. Trước đây, doanh nghiệp có doanh thu từ 20 tỷ đồng/năm trở lên thu thuế GTGT tháng nào phải nộp vào ngân sách tháng đó, còn bây giờ nộp thuế theo quý, nên doanh nghiệp sau khi thu hộ thuế cho ngân sách được quyền sử dụng số tiền này tối đa lên đến 90 ngày do chưa phải nộp vào ngân sách ngay”, ông Nam cho biết.
“Quan điểm của Nhà nước là khuyến khích, động viên chủ doanh nghiệp nâng cao điều kiện sống và làm việc cho người lao động. Vì vậy, chúng ta đã có cơ chế tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ đối với khấu hao nhà ở mà chủ doanh nghiệp đầu tư cho công nhân, nhưng trong các văn bản hướng dẫn lại quy định chỉ tính và chi phí hợp lý, hợp lệ đối với nhà ở trong khu công nghiệp. Kết quả là, không thể thực hiện được, vì trong khu công nghiệp làm gì có nhà ở công nhân”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết, để tháo gỡ vướng mắc này, các văn bản quy phạm pháp luật về thuế gần đây đã coi khoản chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để xây dựng nhà ở công nhân bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, kể cả nhà ở có thu tiền, cũng như không thu tiền là chi phí hợp lý, hợp lệ.
Vẫn theo ông Tuấn, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết, trong tháng 9 tới đây, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư liên quan tới thủ tục thuế gồm Thông tư 156/2013, Thông tư 219/2013, Thông tư 08/2013 và Thông tư 85/2011/TT-BTC. “Thông tư sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực kể từ 1/10/2014, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp mỗi năm 201,5 giờ”, ông Tuấn tính toán.
Bộ Tài chính đang dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là nhóm giải pháp cuối cùng trong 3 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.