Thói quen ăn, nhậu của người Việt vẫn rất ưa chuộng bia và đang dần chuyển sang phân khúc bia cao cấp.

Thói quen ăn, nhậu của người Việt vẫn rất ưa chuộng bia và đang dần chuyển sang phân khúc bia cao cấp.

Trên 4 tỷ lít tiêu thụ mỗi năm, liệu “sức” uống bia của người Việt đã “tới hạn”?

Với tăng trưởng sản lượng tiêu thụ năm nay ước đạt 5,7%, tương đương mức tăng trưởng năm 2017, giới phân tích đánh giá, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan để trở thành thị trường bia lớn thứ 9 thế giới. Đến năm 2019, mức tiêu thụ dự báo vẫn tăng cao.

Tâm lý sính ngoại

Trong một báo cáo vừa phát hành, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất thế giới. Cụ thể, năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 4 tỷ lít bia chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).

Đáng chú ý, ngành bia Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao: Năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành này đạt 5,7% - cao nhất trong nhóm 10 quốc gia có quy mô thị trường lớn nhất.

Xét trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2007 đến năm 2017), tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm (CAGR) của Việt Nam đạt 8,3% cao nhất trong nhóm này. Trong giai đoạn 2007 - 2017, quy mô thị trường Việt Nam tăng 15 bậc từ 25 lên thứ 10 thế giới.

Xét trong giai đoạn 2014 - 2017, tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp CAGR đạt 15%, ngược lại phân khúc giá rẻ có mức tăng trưởng thấp CAGR chỉ đạt 4,8% cho thấy người Việt đang có xu hướng chuyển lên sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn.

Điều này theo FPTS có thể lý giải do một số nguyên nhân. Trước hết là do tâm lý uống bia của người Việt. Bên cạnh việc thưởng thức hương vị bia còn là nơi thể hiện đẳng cấp xã hội, xây dựng các mối quan hệ nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra mức phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm bia cao cấp, thương hiệu mạnh.

Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng từ 2.012 USD năm 2014 lên mức 2.343 USD năm 2017. Kéo theo đó, tỷ lệ người trong tầng lớp giàu có và trung lưu cũng tăng mạnh  khiến khuynh hướng tiêu dùng của họ thay đổi, chuyển sang sử dụng những sản phẩm có giá bán cao hơn.

FPTS cũng nhận xét rằng, tâm lý sính ngoại của người Việt cho rằng các sản phẩm nhập khẩu có chất lượng tốt hơn, đây cũng là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu cao cấp sẽ tăng.

Trên 4 tỷ lít tiêu thụ mỗi năm, liệu “sức” uống bia của người Việt đã “tới hạn”? ảnh 1

 Việt Nam có thể đã vượt qua Ba Lan trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn thứ 9 thế giới trong năm 2018 khi sản lượng nâng lên 4,2 tỷ lít. 

Văn hoá ăn nhậu “ưa chuộng bia”

Năm 2018, ngành bia Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất, phân bổ rộng khắp các vùng miền với sản lượng sản xuất ước tính lên đến 4,3 tỷ lít bia, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia.

Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ năm nay ước đạt 5,7%, tương đương mức tăng trưởng năm 2017. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan để trở thành thị trường bia lớn thứ 9 thế giới.

Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng nóng của ngành này được cho là đã qua và đang dần ổn định hơn với tăng trưởng trong năm 2018 tương đương với mức tăng trưởng năm 2017.

Dự báo vào năm 2019, nhu cầu tiêu thụ bia tại thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế mới nổi tại Châu Á, mức tăng trưởng GDP luôn đạt trên 6% trong nhiều năm qua, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện.

Đặc biệt là khi văn hóa ăn, nhậu của người Việt ưa chuộng bia. Chiếm đến 93% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, bia là thức uống phổ biến nhất trong các bữa ăn tại Việt Nam. Việc sử dụng bia ngay tại điểm bán cũng giúp việc tiêu thụ bia không bị giới hạn so với tiêu thụ bia tại nhà hay tại địa điểm khác.

Theo các chuyên gia FPTS, cơ cấu dân số Việt Nam vẫn sẽ trong giai đoạn dân số vàng (giai đoạn có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đông nhất) trong ít nhất 10 năm nữa. Lượng người tiêu thụ tiềm năng lớn được duy trì trong thời gian dài là động lực để nguồn cầu bia trên thị trường tăng trưởng.

Việt Nam hiện đạt mức tiêu thụ bia trên đầu người khá cao. Nhưng so với các nước có cùng văn hóa và thể trạng con người tương đồng, chỉ số này vẫn thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản, mặc dù Việt Nam có khí hậu nóng thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ bia hơn. Do đó, có thể chỉ số này vẫn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Một yếu tố nữa đó là tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vào loại cao nhất châu Á, tỷ lệ người dân sống tại thành thị đã tăng từ mức 28,2% (năm 2007) lên mức 35% (năm 2017), đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

“Lượng người sống nhiều tại các đô thị, với nhiều hàng quán, các dịch vụ giải trí và các mối quan hệ xã hội là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại khu vực này cao hơn khu vực nông thôn. Do đó, quá trình đô thị hóa cũng là 1 nhân tố có lợi cho thị trường bia Việt Nam”, theo FPTS.

Mặc dù vậy, tăng trưởng ngành khó vượt qua mức tăng trưởng năm 2018 do xu thế tốc độ tăng trưởng giảm đã duy trì và thành xu hướng trong 10 năm qua. FPTS dự báo tăng trưởng ngành bia năm 2019 ở mức tương đương với năm 2018, khoảng 5% đến 6%.

Tin bài liên quan