Trên 30 doanh nghiệp niêm yết giảm lãi

Trên 30 doanh nghiệp niêm yết giảm lãi

TMT giảm chỉ tiêu doanh thu bán hàng, còn lợi nhuận từ mức 15 tỷ đồng xuống còn “cố gắng không lỗ” trong năm nay.

Theo công bố thông tin từ các doanh nghiệp niêm yết, cho đến thời điểm này đã có trên 30 doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm do tình hình kinh tế khó khăn hơn so với dự báo.

 

Trong số những doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng như địa ốc Tân Kỷ (TKC), Công ty cổ phần xây dựng số 2 (VC2), Công ty cổ phần xây dựng số 9 (VC9), Công ty cổ phần xây dựng số 5 (VC5), Tổng công ty đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU))… Đa phần các doanh nghiệp này đều gặp khó khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều chủ đầu tư đã ngưng dự án nửa chừng.

 

Cụ thể như địa ốc Tân Kỷ vốn làm ăn có hiệu quả trong các năm trước thì năm nay cũng gặp khó do một số đối tác chậm trả tiền cho các dự án đã hoàn tất. Vì vậy, Tân Kỷ sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ mức lợi nhuận sau thuế là 12 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, Tân Kỷ lỗ 790 triệu đồng, vì vậy để có lãi 1 tỷ đồng trong năm nay, Tân Kỷ sẽ phải nỗ lực nhiều trong quý IV này.

 

Một số doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cũng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó có FPT, Vinacafe Biên Hòa (VCF). Cụ thể như trường hợp của FPT, công ty này đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế về hơn 2.500 tỷ đồng, thay vì mức 3.000 tỷ đồng trong nghị quyết đại hội đồng cổ đông đã thông qua. Vậy nhưng về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay của FPT, phòng phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng “đó là cả thách thức của FPT”.

 

Theo Bản Việt, kết quả kinh doanh 9 tháng của FPT không như kỳ vọng khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.755 tỷ đồng. Bản Việt dự báo lợi nhuận trước thuế của FPT chỉ có thể ở mức gần 2.400 tỷ đồng, không đến mức trên 2.500 tỷ đồng như kế hoạch của FPT đưa ra do các mảng thương mại và tích hợp hệ thống giảm mạnh lợi nhuận trong tháng 9.

 

Trong khi đó, VCF vừa công bố nghị quyết đại hội đồng cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế, trong đó doanh thu giảm xuống 17% so với kế hoạch từ đầu năm. Như vậy doanh thu chỉ còn khoảng 2.300 tỷ đồng, và lợi nhuận là 300 tỷ đồng. Trong 9 tháng, VCF có lãi trên 150 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Để hoàn thành kế hoạch, con số lãi của quý III phải đạt 150 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận sau thuế của 9 tháng.

 

Tuy vậy, ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc VCF khẳng định sẽ đạt được kế hoạch mới đề ra do công ty đã có các phương án tăng sản xuất và tiêu thụ trong quý này.

 

Ngoài các doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể thì cũng có doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu “cố gắng không lỗ”, như Công ty cổ phần ô tô TMT (TMT). Theo nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 9 vừa qua, TMT đã giảm chỉ tiêu doanh thu bán hàng từ 1.000 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng, và lợi nhuận từ mức 15 tỷ đồng xuống còn “cố gắng không lỗ” trong năm nay. Việc khó khăn trong tiêu thụ ô tô nói chung đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

 

Theo ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tài chính doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Bản Việt, nhìn vào việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, một phần nào có thể thấy được việc kinh tế vĩ mô chưa cải thiện được như doanh nghiệp mong muốn, vì vậy, dù đã lường trước từ đầu năm, nhưng đến gần hết năm các doanh nghiệp vẫn phải điều chỉnh kế hoạch.

 

Đồng thời, không hẳn việc điều chỉnh này thể hiện việc làm ăn không hiệu quả của doanh nghiệp, do thực tế nhiều doanh nghiệp dù đã điều chỉnh kế hoạch nhưng vẫn có lãi lớn. Trong khi đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên, đứng trước khả năng hủy niêm yết nhưng không công bố giảm kế hoạch kinh doanh.

 

Nói về dự báo cuối năm nay, ông Hoàn cho rằng các doanh nghiệp ngành thực phẩm, tiêu dùng, cao su sẽ vẫn lãi, trong khi đó, doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn khó khăn do doanh số tăng, nhưng giá bán giảm. Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, tài chính sẽ chưa có kết quả khả quan khi tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa khởi sắc.