Tuổi mua nhà trẻ hóa sau từng năm
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản lần đầu tiên được Batdongsan.com.vn công bố thông qua cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.000 người độ tuổi dưới 25 vào cuối năm 2021 cho biết, hơn 50% người được khảo sát cho biết sẽ tìm mua nhà trong 2 năm tới và TP.HCM, Hà Nội là 2 địa điểm được nhiều người lựa chọn mua bất động sản nhất, tiếp đến là các tỉnh giáp ranh 2 thành phố lớn này.
Báo cáo trên cũng đưa ra những con số đáng chú ý: 89% người tham gia khảo sát kỳ vọng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới, đây cũng là lý do khiến nhiều người Việt Nam có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào bất động sản; 80% người tham gia sở hữu ít nhất 1 bất động sản, trong đó mục đích để ở chiếm đa số (70%), còn lại là đầu tư và mục đích khác; người có thu nhập từ 20-40 triệu đồng/tháng thường sở hữu ít nhất 1 bất động sản, thu nhập từ 70-100 triệu đồng/tháng thường sở hữu 2 bất động sản trở lên (chiếm đến 73% số người được khảo sát), thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng thường sở hữu từ 3 bất động sản...
Tại Việt Nam, các đô thị vệ tinh xung quanh những thành phố lớn đã và đang được hình thành nhằm giảm tải áp lực dân số cho khu vực trung tâm, thu hút nhiều người về đây sinh sống, đặc biệt là người trẻ. Một khảo sát của Vinhomes cho biết, trong 10.000 khách hàng đầu tiên mua nhà tại đại đô thị Vinhomes Smart City ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do chủ đầu tư này phát triển, có tới 15% nằm trong độ tuổi 25 trở xuống và nhiều người trong đó mua để đầu tư.
Tương tự, báo cáo nghiên cứu hành vi mua bất động sản lấy mẫu khảo sát trên 1.500 khách hàng ngẫu nhiên từ 5.000 giao dịch thành công được Thắng Lợi Group thực hiện năm 2021 cho thấy, có 17% người ở độ tuổi dưới 30 từng thực hiện các giao dịch bất động sản trong năm 2021, trong khi tỷ lệ này những năm trước là không đáng kể. Nhóm khách hàng từ 31-45 tuổi đã thực hiện các giao dịch bất động sản chiếm 51% trên tổng mẫu khảo sát và tăng 10% so với năm 2020 (trong năm 2020, các giao dịch bất động sản ở nhóm tuổi này chỉ tăng 5% so với năm 2019), còn lại là 32% mẫu khảo sát ở độ tuổi trên 45 đang đầu tư vào các dự án bất động sản.
Theo nhóm chuyên gia của Thắng Lợi Group, hành vi mua bất động sản của người dưới 30 tuổi và trong độ tuổi 31-45 cho thấy độ tuổi của khách hàng đang được trẻ hóa qua từng năm. Nhìn lại từ năm 2019 trở về trước, đa phần phải trên 45 tuổi người dân đô thị mới bắt đầu mua tài sản để tích lũy.
Còn theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Funi Bamboo miền Bắc, quan điểm “an cư rồi mới lạc nghiệp” vốn ăn sâu trong tiềm thức người dân Việt Nam, được truyền thừa từ những thế hệ trước đến những người trẻ hiện nay, nhất là khi đất đai ngày một khan hiếm và bản thân những người trẻ cũng ngày một chủ động hơn về kinh tế.
Trong danh sách khách hàng của Trần Minh, một môi giới bất động sản, ngoài số ít người thuộc tầng lớp U50, U60, còn lại phần lớn là những người trẻ. “Ngoài sở hữu một căn hộ chung cư để ở, một vài phương tiện để đi lại… thì họ cũng mong muốn tích lũy tài sản từ sớm và bất động sản là một trong những kênh đầu tư được lựa chọn”, anh Minh nói.
Tiêu chí lựa chọn “tổ ấm” của thế hệ Y, Z đã thay đổi |
Sự khác biệt về tư duy
Trên thực tế, trước kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn, nhiều báo cáo nghiên cứu của các tổ chức uy tín như Nielsen hay RBNC cũng đã đưa ra đánh giá triển vọng về xu hướng sở hữu bất động sản của người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm khách hàng thuộc thế hệ Millennials (Gen Y, là những người sinh ra trong giai đoạn 1981-1996), thế hệ Z (Gen Z, là những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2012).
Kể từ khi mở cửa và nhất là từ sau năm 2000 trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu đô thị, đặc biệt trong nhóm người trẻ tuổi. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có khoảng 15 triệu người (bằng số dân của Đặc khu kinh tế Hồng Kông và Singapore cộng lại).
Báo cáo The Wealth Report 2021 của Công ty Tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh quốc) đánh giá rằng, dân số siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng vọt trong 5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng trung bình 31%/năm - cao hàng đầu thế giới.
Dự kiến, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD, trong đó phân nửa thuộc nhóm Gen Y và Gen Z. Với yêu cầu cao hơn về nhu cầu hưởng thụ cuộc sống và mạnh dạn hơn trong hoạt động đầu tư, nhóm người này sẽ không ngần ngại chi tiền để sở hữu nhiều hơn một bất động sản.
“Muốn phát triển thành công một dự án nhà ở thương mại đô thị, không thể không nghiên cứu gu tiêu dùng của thế hệ Y, Z này”, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản phía Nam nhấn mạnh.
Một khảo sát nhanh của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, ngay khi giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 10/2021, thị trường bất động sản đã đón nhận mạnh mẽ dòng tiền mới, bao gồm cả dòng vốn của các nhà đầu tư thế hệ Y, Z. Tại không ít dự án, việc một nhà đầu tư trẻ ôm từ vài đến vài chục lô đất cùng một lúc không hề hiếm. “Không sợ đất mất giá, chỉ sợ không có tiền mua thêm nhiều lô nữa” là câu cửa miệng của các F0 địa ốc này.
Dịch bệnh càng khiến nhiều người có tiền tích lũy tăng đầu tư vào nhà đất khi nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác đối mặt với khó khăn. Số liệu thông kê của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm tới thị trường địa ốc của người dân tăng dần sau mỗi đợt dịch bùng phát, cụ thể: Sau đợt dịch lần thứ nhất tăng 306%, lần 2 tăng 62%, lần 3 tăng 378% và lần 4 tăng 105%. Nguyên nhân được chỉ ra là do nguồn cung mới khan hiếm, lo ngại về nguy cơ lạm phát cao cộng hưởng với giá nhà đất chưa có dấu hiệu ngừng tăng… khiến người dân lựa chọn “trữ tiền” vào kênh đầu tư có thể sinh lời ổn định theo thời gian như bất động sản.
Mặt khác, dù phần lớn người dân coi giá bất động sản không ngừng tăng cao là trở ngại lớn nhất trong việc sở hữu bất động sản khi thu nhập bị sụt giảm bởi dịch bệnh, nhưng với những người trẻ, họ sẵn sàng xoay xở để mua bất động sản khi có cơ hội.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, thế hệ trước đây xem nhà ở là tài sản có giá trị gia tăng ổn định nên họ thường có xu hướng chọn nhà liền thổ. Tuy nhiên, hiện nay, khi thế hệ Y trở thành lao động chính trong xã hội, tiêu chí lựa chọn “tổ ấm” đã thay đổi, tăng trưởng về giá trị bất động sản không còn là yếu tố quan trọng nhất, mà sự thuận tiện, các tiện ích cho đời sống, giá trị văn hóa, chất lượng môi trường, giải pháp thông minh… ảnh hưởng nhiều hơn đến việc mua nhà.
Sự thay đổi của nhóm khách hàng thế hệ mới này tại Việt Nam đang bắt kịp dần với xu hướng của thế giới. Lấy ví dụ, tại Raleigh (Mỹ), cách đây vài năm, hầu như chẳng có ai muốn sinh sống ở thành phố phía Bắc Carolina này do nằm quá xa khu vực trung tâm và điều kiện hạ tầng, dịch vụ, tiện ích thiếu thốn…, nhưng giờ đây đã là một đô thị rất phát triển. Đây cũng là nơi ghi nhận nhu cầu đầu tư bất động sản của người trẻ thuộc hàng cao nhất nước Mỹ.