Thứ bậc của các ông lớn
Kết thúc phiên 13/7/2016, VN-Index vượt mốc 675 điểm, vượt đỉnh 8 năm. Thanh khoản thị trường các phiên gần đây đều trên 3.000 tỷ đồng. Chính nhờ sự khởi sắc của thị trường, các cổ phiếu cũng được hưởng lợi theo. Thống kê trên hai sàn chứng khoán niêm yết cho thấy, “Câu lạc bộ” vốn hóa tỷ USD có sự thay đổi khi CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) ra khỏi nhóm và sự xuất hiện của nhân tố mới Tập đoàn Hòa Phát (HPG), cùng ứng viên “ngấp nghé” CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG).
Vị trí vốn hóa thị trường cao nhất thuộc về CTCP Sữa Việt Nam (VNM) với hơn 7,91 tỷ USD. Kế đến là Ngân hàng Ngoại thương (VCB) với 6,45 tỷ USD, đều tăng so với mức vốn hóa thị trường cuối năm 2015. Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) ở vị trí thứ 3 với mức vốn hóa thị trường 5,62 tỷ USD.
Sự bứt phá về vị trí của GAS xuất phát từ thực tế thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn 90% so với đầu năm nay, nhờ thông tin giá dầu tích cực hơn so với cuối năm 2015. Gương mặt mới vào Top vốn hóa tỷ USD là HPG, với vốn hóa hiện ở mức 1,35 tỷ USD, nhờ thị giá cổ phiếu đã lên mức trên 40.000 đồng/CP, vượt đỉnh năm 2014.
Rớt khỏi bảng cổ phiếu có vốn hóa tỷ USD là cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Niêm yết từ tháng 7/2015, với mức giá chào sàn 33.500 đồng/CP, khối lượng lưu hành 708,14 triệu cổ phiếu, giá trị vốn hóa của HNG khi đó tương ứng vốn hóa 1,09 tỷ USD. Đến cuối năm 2015, giá đóng cửa HNG ở mức 28.800 đồng/CP, vốn hóa thị trường ở mức 0,91 tỷ USD. Với đà sụt giảm nhanh chóng của thị giá, hiện chỉ còn khoảng 7.300 đồng/CP, vốn hóa thị trường HNG chỉ còn 0,3 tỷ USD.
“Game thoái vốn” thúc cổ phiếu tăng mạnh
Chưa có tên trong bảng vốn hóa thị trường tỷ USD, nhưng một gương mặt mới gây bất ngờ gần đây là sự tăng giá mạnh mẽ của MWG, khiến CTCP Đầu tư Thế giới di động trở thành ứng viên bước vào nhóm Top vốn hóa lớn nhất. Niêm yết từ 14/7/2014, MWG đã có 3 lần thay đổi vốn điều lệ, hiện ở mức gần 1.469 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2015, với thị giá 90.000 đồng/CP, MWG có giá trị vốn hóa hơn nửa tỷ USD. Trong hơn 6 tháng qua, cổ phiếu MWG đã tăng một mạch từ mức 90.000 đồng/CP lên 140.000 đồng/CP (đóng cửa phiên 13/7/2016), tương ứng mức tăng 68%, khiến vốn hóa thị trường MWG ngấp nghé 1 tỷ USD.
Đà tăng giá mạnh của MWG trùng hợp với thời điểm cổ đông lớn Mekong Enterprise Fund II Ltd đăng ký thoái bớt cổ phần MWG. Sự trùng hợp này khiến nhiều ý kiến trên thị trường cho rằng, “game thoái vốn” đã hỗ trợ phần nào cho cổ phiếu MWG bật tăng. Cần lưu ý, trong khoảng tháng 4, cổ đông lớn CDH Electric Bee Limited đã thoái bớt vốn cho 9 nhà đầu tư nước ngoài thông qua giao dịch thỏa thuận với mức giá cao hơn giá trên thị trường khớp lệnh. Tuy vậy, giá cổ phiếu gần như không biến động mạnh. Đại diện quỹ này từng lên tiếng rằng, các quỹ đầu tư ngoại sẽ không bán cổ phiếu ra thị trường tại Việt Nam, mà tìm đối tác chiến lược để bán với số lượng lớn và giá trị cao hơn định giá của thị trường.
Trong đợt thoái vốn lần này của Mekong Capital, có một thông tin khá thú vị: cổ đông lớn này đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu MWG, giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 29/6/2016 đến ngày 28/7/2016 qua phương thức thỏa thuận. Trước đó, khoảng cuối tháng 5, chính Mekong Capital cho rằng, cổ phiếu MWG xứng đáng với giá trị 152.000 đồng/CP, cao hơn 83% so với thị giá trên sàn chứng khoán. Và có lẽ không quá khó hiểu, khi mà cổ phiếu này tăng cao, các cổ đông ngoại đã tranh thủ “chốt lời”.
Theo nhận định của chuyên gia chứng khoán, các quỹ ngoại thường thoái vốn theo hình thức thỏa thuận và mức giá thỏa thuận luôn cao hơn giá khớp lệnh trên sàn. Tuy nhiên, chính sự rò rỉ về giá trị thương vụ lại là cái cớ hợp lý để các “đội lái” tham gia để đưa cổ phiếu lên mặt bằng giá mới.
Về hoạt động kinh doanh của MWG, trong 5 tháng đầu năm, Công ty đạt 16.240 tỷ đồng doanh thu, tăng 80% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ 2015. Kết quả khả quan này đến từ việc Công ty liên tục mở rộng địa bàn kinh doanh (đã mở 215 cửa hàng Thế giới di động và 30 cửa hàng Điện máy xanh).
Ngoài MWG, cổ phiếu HPG cũng là cổ phiếu bị khối ngoại bán khá mạnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên, giá cổ phiếu khá vững, quanh vùng 40.000 đồng/CP. Trước đó, giá cổ phiếu HPG từng đạt mức 43.000 đồng/CP, vượt đỉnh của năm 2014.
Với những dự báo về kết quả kinh doanh quý II/2016 rất khả quan, cộng thêm những đợt sóng cổ phiếu ngành thép đầu năm đến nay đã giúp cổ phiếu HPG tăng khá tốt. Trong tháng 6 vừa qua, cổ đông lớn của HPG là hai quỹ của VinaCapital là VOF Investment Limited và Vietnam Investment Property Holdings Limited đã bán lần lượt 1,03 triệu và 550.000 cổ phiếu HPG.
Giao dịch kết thúc ngày 24/6/2016, đến ngày 28/06/2016, nhóm cổ đông VinaCapital đã không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát khi giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,21% xuống 4,99%, tương đương 36.597.467 cổ phiếu. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu HPG tăng mạnh từ mức 34.400 đồng/CP lên 39.600 đồng/CP, tương ứng mức tăng 15,12%. Một tuần sau khi VinaCapital thoái vốn, cổ phiếu vẫn duy trì đà tăng lên mức cao nhất 42.800 đồng/CP, với khối lượng giao dịch hơn 4.800 đơn vị/phiên.
TTCK Việt Nam đang nỗ lực trên con đường nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trên trường quốc tế. Với giá trị giao dịch mỗi phiên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương từ 135 triệu USD, và sự vững bước của những cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD như VCB, VNM hay GAS, TTCK Việt Nam có thể nhẹ nhàng vượt qua các tiêu chuẩn về quy mô, định lượng của MSCI liên quan đến vấn đề nâng hạng. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, các thành tố phải bền vững, tức đi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đi lên. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị doanh nghiệp được phản ánh đúng qua thị giá cổ phiếu, thay vì tăng nóng chỉ nhờ những yếu tố bên lề hoạt động kinh doanh.