Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cùng đại diện 7 ngân hàng lại lễ ra mắt

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cùng đại diện 7 ngân hàng lại lễ ra mắt

Trao “sứ mệnh” cho thẻ tín dụng nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ra mắt "liên minh" thẻ tín dụng nội địa là quyết định dũng cảm và nếu thành công thì Việt Nam sẽ là trường hợp đặc biệt trong thị trường thanh toán.

Không giảm được phí thẻ tín dụng quốc tế

Thẻ tín dụng tại Việt Nam hầu hết đều có tên là “thẻ tín dụng quốc tế” vì liên kết với các tổ chức thẻ Visa, MasterCard, JCB... Đa số các nước, hệ thống thanh toán đều phụ thuộc vào các tổ chức này bởi quy mô thanh toán toàn cầu. Đã phụ thuộc thì phải chấp nhận!

Còn nhớ những tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 rất căng thẳng, doanh số sử dụng thẻ trong nước trong 3 tháng đầu đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với mảng thanh toán, doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4/2020, doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3/2020.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn…, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài trong tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước và tiếp tục giảm các tháng sau đó.

Điểm đáng chú ý, mặc dù giảm mạnh cả về doanh số phát hành và thanh toán, nhưng các ngân hàng vẫn phải gánh nhiều loại phí từ Visa, MasterCard trên mỗi giao dịch, bao gồm phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ... Mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế này đối với các giao dịch trong nước cũng đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.

Do đó, các ngân hàng thành viên VNBA kiến nghị với Visa và MasterCard cần xem lại chính sách phí phù hợp với thị trường thẻ Việt Nam. Cụ thể, VNBA đề nghị Visa và MasterCard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Đồng thời, áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với một giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.

Tuy nhiên, các đề nghị trên chưa từng được đáp ứng!

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VNBA nói: “Câu chuyện ở đây là phải cân bằng lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, mức phí của thẻ thanh toán quốc tế vẫn chưa có gì thay đổi cho đến hiện tại và các đối tác trên cho biết vẫn đang nghiên cứu và xem xét”.

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, những năm trước, Hội đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Visa, MasterCard giảm phí cho các ngân hàng và nhận được câu trả lời là “không giảm được” do đây là chính sách phí áp dụng chung cho các thị trường.

“Hiện tại, thẻ quốc tế mang thương hiệu Visa, MasterCard chiếm hơn 70% tổng lượng thẻ trên thị trường. Do vậy, nếu Visa, MasterCard giảm phí thì các ngân hàng sẽ có điều kiện giảm phí cho các điểm chấp nhận thanh toán, thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tuấn nói.

Bài học của nhiều nước trong khu vực thời gian qua cho thấy, để phát triển thanh toán không tiền mặt từ thẻ nội địa, cần định hướng cũng như chính sách tổng thể từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, sản phẩm thẻ nội địa cần hấp dẫn không chỉ bằng, mà còn phải hơn thẻ quốc tế thì mới thu hút được người tiêu dùng trong nước.

Thực tế, Visa và Mastercard rất nhiều lần muốn thâm nhập thị trường thanh toán tại Trung Quốc nhưng vẫn khó khăn bởi đã có China Union Pay (CUP). Hiện CUP là đơn vị số 1 tại Trung Quốc trong ngành công nghiệp thẻ ngân hàng, bất chấp sức cạnh tranh ngày một lớn từ cả các tổ chức thẻ ngân hàng bên ngoài biên giới lẫn bên thanh toán thứ 3 trong nước. CUP cũng là công ty duy nhất cung cấp loại thẻ có thể liên kết với tất cả các máy rút tiền tự động (ATM) của tất cả các ngân hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Liên minh thẻ tín dụng nội địa: Bước đi đầu tiên

Thực tế, thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng trong nước như VietinBank, ACB, Techcombank, Sacombank… đã xuất hiện rải rác trên thị trường từ nhiều năm nay.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết, thẻ tín dụng nội địa VietinBank đã ra mắt từ năm 2014, dành riêng cho khách hàng Việt Nam chi tiêu tại thị trường trong nước với chi phí rẻ hơn đáng kể so với các dòng thẻ quốc tế như Visa, Master, JCB và tính năng cũng không thua kém.

“Thẻ tín dụng quốc tế có gì thì thẻ tín dụng nội địa có cái đó. Yếu tố lớn nhất để người dân tiếp cận thẻ tín dụng nội địa là lãi suất và phí đều được chúng tôi giải quyết triệt để”, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, phí thường niên của thẻ VietinBank cạnh tranh hơn so với thẻ quốc tế khi thấp hơn khoảng 60-70%, thậm chí còn thấp hơn cả một số ngân hàng hiện đang niêm yết mức giá từ 300-500.000/năm. Bên cạnh đó, lãi suất cũng khá cạnh tranh ở mức 12-15%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức 30-35%/năm tại một số ngân hàng khác.

“Trong khi thẻ tín dụng nội địa có mức phí chỉ từ 0,33-0,5%/giao dịch tùy ngân hàng thì phí thanh toán thẻ tín dụng quốc tế lên tới 1,3-3,5%/giao dịch. Mức phí quá cao có thể ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay”, ông Khoa nói.

Hay như tại ACB, lãi suất của thẻ tín dụng nội địa ACB Express cũng khá cạnh tranh, từ 15-22%/năm. Ngoài ra, chủ thẻ có thể rút tiền mặt với mức phí 0 đồng tại 11.000 máy ATM của ACB, được miễn lãi đến 45 ngày và người sử dụng chỉ phải thanh toán 3% tổng dư nợ hàng tháng.

Tuần trước, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) và 7 ngân hàng (VietinBank, Viet Capital Bank, ACB, HDBank, Bao Viet Bank, Sacombank và Vietbank) tổ chức lễ ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết: “Các sản phẩm này có chi phí sử dụng thẻ và chi phí vận hành hợp lý để hấp dẫn người dùng Việt Nam, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy lùi tín dụng đen”.

Được biết, thẻ tín dụng trong nước sẽ hướng đến những khách hàng có thu nhập trung bình/thấp, cung cấp công cụ chi tiêu hợp lý dựa trên tín chấp. Phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1-1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1-2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000-20.000 đồng) - cũng thấp hơn đáng kể so với mức khoảng 4% giá trị giao dịch hoặc tối thiểu 50.000 đồng của các thẻ khác hiện nay.

“Tôi tin đây là sản phẩm sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, kích cầu tín dụng, tối ưu, hiệu quả về kinh tế”, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB nói.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas cho biết: “Vai trò của Napas là cung cấp cho ngân hàng, đối tác những giải pháp về phát hành và thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực thẻ thanh toán nhằm hoàn thiện hệ sinh thái thẻ nội địa, cung cấp sản phẩm thanh toán đơn giản, thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi khách hàng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện”.

Về phía cơ quan quản lý, bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của 7 ngân hàng và Napas, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng yêu cầu các bên tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, trong đó chú trọng phát triển thẻ tín dụng nội địa như là giải pháp quan trọng mang lại tiện ích cho người dùng và góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”…

Tin bài liên quan