Đề xuất doanh nghiệp tự công bố giá bán lẻ 7 ngày/lần
Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới nhất trình Chính phủ (Dự thảo lần 2), Ban Soạn thảo tiếp tục bảo lưu quan điểm như Dự thảo lần 1, là Nhà nước không tham gia quá trình điều hành giá, nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Thay vì đề xuất 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu do doanh nghiệp tự công bố như Dự thảo lần 1, tại Dự thảo lần 2, thời gian được rút ngắn xuống còn 7 ngày như quy định hiện hành.
Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất: Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, doanh nghiệp đầu mối cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, giá bán ra của doanh nghiệp đầu mối không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức. Sau khi công bố, doanh nghiệp thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.
Bộ Công thương cho rằng, với cơ chế hiện nay, cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp xăng dầu không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối của mình, mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố rồi thực hiện theo.
Bộ Công thương cho biết, quan điểm xây dựng Dự thảo
Nghị định về kinh doanh xăng dầu nhằm tiến dần hơn tới cơ chế thị trường và Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá tính toán theo công thức, hài hòa lợi ích các bên.
“Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài (chi phí kinh doanh, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được tính toán dựa vào số liệu quý trước được áp dụng trong tính toán giá cơ sở xăng dầu ở quý sau), dẫn tới chưa sát với thực tế”, Cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định nhìn nhận.
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện chưa đảm bảo thực hiện theo cơ chế thị trường.
Với phương án mới được đề xuất, việc tính toán chi phí hàng tháng của doanh nghiệp được giảm bớt. Đây là cải cách trong tính toán giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường, hoàn toàn dự tính được các chi phí kinh doanh của mình để xây dựng giá bán xăng dầu trong hệ thống và có quyền bán giá thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định.
Lo không có động lực giảm giá
Điểm mới ở Dự thảo lần này là việc tính toán mức giá cụ thể sẽ do doanh nghiệp thực hiện và công bố, thay vì trước đây, Nhà nước đưa ra mức giá trần (bao gồm giá xăng dầu trên thị trường thế giới, các chi phí cố định và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, đều do Nhà nước tính toán trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp). Nhờ đó, doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian tính toán, gửi báo cáo về cơ quan điều hành để tính toán đưa vào giá cơ sở.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, về bản chất, quy định như vậy vẫn mang hình bóng “bình mới, rượu cũ”, khi doanh nghiệp phải đưa ra mức giá trần. Cách thức này vẫn tạo thói quen bán sát giá trần, không có động lực giảm giá.
Do vậy, ông Thỏa cho rằng, cần làm rõ thêm quy định giá trần ở nghị định mới, đặc biệt là những chế tài kiểm soát để tháo hết nút thắt, dứt khoát áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với kinh doanh xăng dầu.
“Nói cách khác, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (bao gồm tất cả các khâu giá, từ giá mua trong nước, giá mua trên thị trường thế giới, giá bán buôn, giá bán lẻ)”, TS. Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia, cần bãi bỏ toàn bộ quy định hiện hành về việc Nhà nước công bố các chỉ tiêu tính giá để doanh nghiệp thực hiện, đặc biệt là các quy định phi thị trường như cho phép lùi thời gian điều chỉnh giá nếu thời gian điều chỉnh giá trùng vào ngày nghỉ, lễ, Tết…
Thay vào đó, Nhà nước điều tiết giá chủ yếu bằng giải pháp điều hòa cung cầu, thuế, phí và các biện pháp tài chính, tiền tệ khác. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát sản lượng cung ứng, chi phí sản xuất, lưu thông, hậu kiểm, cơ cấu hình thành giá nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá và cung ứng sản lượng bất hợp lý, gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt (TP.HCM) cho biết, Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu không quy định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu (doanh nghiệp đầu mối, phân phối, bán lẻ), mà để cho doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá, nhưng cần quy định rõ về các cơ chế cấu thành giá, nhằm đảm bảo tính đúng và đủ, nhất là bán lẻ phải có lợi nhuận. Nếu không đưa quy định rõ ràng về mức chiết khấu, sẽ có nguy cơ tái diễn cảnh khan hiếm xăng dầu và người dân phải xếp hàng mua xăng dầu như năm 2022.
Giai đoạn mà bà Trâm đề cập, do doanh nghiệp bán lẻ không nhận được mức chiết khấu hợp lý từ doanh nghiệp đầu mối, thậm chí chiết khấu bằng 0, thu không đủ bù chi nên thua lỗ, phải tạm ngưng bán hàng, dẫn đến thị trường mất cân đối cung - cầu cục bộ.