Một điều mà ta có thể dễ nhận thấy là trong một giai đoạn khủng hoảng, những gói giải pháp nhiều tỷ USD đổ vào thị trường sau những cuộc họp, thảo luận, tranh luận và vô số vấn đề khác, trong khi thị trường chỉ cần một vài phiên giảm điểm là có thể làm bốc hơi một con số gấp nhiều lần thế. Dường như thế giới đang đem những đồng tiền thật của mình ra để đấu lại với những đồng tiền tâm lý vốn đã được khuếch đại rất nhiều lần của thị trường. Đó có vẻ là một cuộc chiến không cân sức, dù chúng ta vẫn tin là nó mang đến nhiều hy vọng.
Mọi người đều biết đến hiệu ứng dây chuyền xảy ra đối với một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, nó tạo ra một vòng xoáy mà càng ngày người ta lại càng ngạc nhiên phát hiện ra những lỗ hổng to lớn của nền kinh tế, nước Mỹ hiện nay là một ví dụ. Khi đó, như đã nói ở trên, dù cho có bất kỳ gói giải pháp bom tấn nào được tung ra thì người ta cũng chỉ diễn đạt nó bằng một từ khiêm tốn là "cầm cự".
Bất kỳ nền kinh tế nào muốn "bình yên" cũng không nên để nó tiến tới cái ngưỡng nguy hiểm đó. Cách duy nhất là chúng ta phải dập tắt nó một cách quyết liệt và mạnh mẽ ngay từ khi nó có những biểu hiện đầu tiên.
Vậy Việt Nam hiện nay, khi thâm hụt thương mại tăng cao, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng, nhiều DN sụt giảm lợi nhuận, chỉ số VN-Index xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm, HASTC-Index xuyên ngưỡng 100 điểm…, thì các giải pháp quyết liệt có lẽ đã rất cần thực hiện một cách cấp bách.
Chính vì thế, ngay từ bây giờ chúng ta đều hy vọng về những hành động rõ ràng hơn, ảnh hưởng to lớn hơn đến các NĐT và toàn thể thị trường. Những hành động tích cực ở thời điểm hiện tại chính là cách duy nhất để nâng chúng ta lên khỏi vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nếu không muốn bị cuốn vào và "cầm cự" với nó.