Một góc bức tranh vẽ chuyến săn thú trong hang Leang Bulu' Sipong 4. Ảnh: UPI.
Nhà khảo cổ Hamrullah phát hiện bức vẽ cổ xưa dài khoảng 2,4 m trên vách hang Leang Bulu' Sipong 4, đảo Sulawesi, Indonesia, năm 2017.
Nhóm nhà khoa học quốc tế tiến hành nghiên cứu bức tranh và công bố kết quả trên tạp chí Nature hôm 11/12. Bức tranh miêu tả chuyến đi săn của những sinh vật giống người nhưng mang đầu động vật. Họ cầm giáo, có vẻ đang tấn công lợn và trâu hoang.
Trước đó, bức tranh tương tự cổ xưa nhất có niên đại 19.000 năm. Nó miêu tả chuyến săn bò rừng bison, được vẽ trong một hang động tại Pháp.
Bức tranh ở Indonesia cho thấy loại hình nghệ thuật này ra đời từ rất sớm, phạm vi phân bố cũng rất rộng.
"Khi khai quật, bạn thường tìm thấy những thứ người xưa bỏ lại. Nhưng nghệ thuật trên đá không phải thứ bỏ đi mà giống như một thông điệp. Chúng tôi có thể cảm thấy mối liên kết với nó. Chúng tôi đang xác định niên đại của nghệ thuật vẽ trên đá, không chỉ ở châu Âu mà còn ở Đông Nam Á. Điều này làm thay đổi bức tranh về sự tiến hóa của con người", Maxime Aubert, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, nhà khảo cổ kiêm địa hóa học tại Đại học Griffith, cho biết.
Theo Aubert và các cộng sự, hình vẽ trên vách hang Leang Bulu' Sipong 4 không chỉ thể hiện nghệ thuật và mang tính tượng trưng mà còn cho thấy niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên. Các thợ săn mang đầu động vật không phải để ngụy trang.
Họ là người lai động vật, hay những sinh vật siêu phàm. Giới khoa học từng tìm thấy những hình mẫu tương tự, ví dụ tượng người đầu sư tử làm bằng ngà 35.000 năm tuổi ở Đức.
"Hình vẽ thợ săn nửa người, nửa động vật, cũng có thể là bằng chứng cổ xưa nhất về khả năng nhận thức những thứ không tồn tại trong thế giới tự nhiên", nhóm nghiên cứu nhận định. Nhóm nghiên cứu chưa thể xác định chắc chắn ai đã vẽ bức tranh, nhưng nhiều khả năng là loài người hiện đại (tên khoa học Homo sapiens).
"Chúng tôi cho rằng các họa sĩ là Homo sapiens. Quan niệm tôn giáo và tâm linh này là một phần văn hóa của người thời xưa ở Indonesia", Adam Brumm, nhà khảo cổ tại Đại học Griffith, cho biết.
Hình vẽ trong hang Leang Bulu' Sipong 4 là bức vẽ đầu tiên trên đảo Sulawesi kể lại một hành động với sự tham gia của sinh vật siêu nhiên.
Trước đó, các nhà khoa học từng phát hiện hàng chục tranh vẽ trừu tượng trong các hang động trên hòn đảo này. Tuy nhiên, nhiều bức trong số đó đang hư hỏng.
"Chúng ta phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây hư hỏng và quyết định xem nên hành động như thế nào", Brumm nói.