Với quy định tại dự thảo, liệu có làm mất tính cạnh tranh của thị trường và giảm lợi ích của NĐT nếu thu hẹp TTGDV?
Việc quy định chỉ có NHTM mới được cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước là hợp lý và không làm giảm tính cạnh tranh cũng như lợi ích của NĐT, vì tránh được tình trạng DN đổ xô thành lập TTGDV, cạnh tranh bằng nhiều hình thức sẽ gây rủi ro cho cả DN lẫn NĐT. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ quy định rõ điều kiện mà NHTM phải đáp ứng để tổ chức TTGDV, do đó không làm giảm chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng khi TTGDV trên thị trường bị thu hẹp. Bên cạnh đó, DN có thể cung ứng dịch vụ này dưới hình thức đại lý của TTGDV. Việc NHNN quy định chặt chẽ điều kiện để trở thành đại lý cũng sẽ góp phần minh bạch và chuyên nghiệp hoá thị trường vàng, hạn chế rủi ro cho cả DN lẫn NĐT.
Có ý kiến cho rằng, nội dung của dự thảo không phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu có sự tham gia, liên kết của DN kinh doanh vàng thì NHTM có thêm tiềm năng, kinh nghiệm quản lý TTGDV, làm cho thị trường vàng phát triển lành mạnh. Ông nghĩ sao về điều này?
Để minh bạch hoá và giảm thiểu rủi ro thì chỉ có NHTM mới được tổ chức TTGDV, vì một số lý do như: NHTM có hệ thống quản lý tài khoản rõ ràng, có chức năng kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài để bảo hiểm rủi ro biến động giá. Ngoài ra, NHTM đang phải tuân theo quy định của NHNN về hoạt động kinh doanh vàng. Chẳng hạn, quy định về quy mô trạng thái vàng, trạng thái ngoại hối… Trong trường hợp DN kinh doanh vàng tổ chức TTGDV thì cơ quan nào sẽ quản lý nếu chính DN đó mở tài khoản tự doanh trên TTGDV của mình và có thể dẫn đến thua lỗ, gây tác động xấu đến niềm tin của NĐT.
Khác với giai đoạn 2007 - 2008, hiện số lượng TTGDV tham gia thị trường tăng lên con số khoảng 25. Theo ông, cạnh tranh trong việc thu hút NĐT có quá khó khăn đối TTGDV của ACB?
Không thể phủ nhận việc cạnh tranh giữa các TTGDV đã trở nên gay gắt trong thời gian qua, mặc dù tiềm năng của thị trường vàng Việt Nam còn khá lớn. Tuy nhiên, TTGDV ACB vẫn là TTGDV lớn nhất và được đa số NĐT tin tưởng vì nhiều lý do như: tính thanh khoản cao của TTGDV; trình độ công nghệ thông tin và hệ thống quy trình chặt chẽ cũng như hệ thống quản lý rủi ro tốt. Việc một số TTGDV cạnh tranh bằng mọi giá, nhất là xem nhẹ tính pháp lý trong quy trình giao dịch có thể gây rủi ro cho DN và khách hàng. Do đó, theo tôi, cần có quy định để quản lý vấn đề này.
Ông có thể cho biết tiện ích cũng như công cụ quản lý rủi ro mà TTGDV ACB hỗ trợ NĐT trong lúc này, nhất là trước sự biến động mạnh của giá vàng?
Giải pháp của ACB trong việc hạn chế rủi ro cho NĐT vàng gồm có: khuyến cáo rủi ro và trang bị kiến thức cho khách hàng. Trước khi NĐT tham gia giao dịch tại TTGDV của Ngân hàng đều được nhân viên ACB tư vấn và khuyến cáo rất kỹ rủi ro có thể xảy ra trong quá trình giao dịch. Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể cập nhật kiến thức cơ bản và chuyên sâu cũng như chiến lược kinh doanh trên website: www.acbtreasury.com.vn do Khối ngân quỹ của ACB xây dựng. Ngoài ra, NĐT tại TTGDV ACB có thể sử dụng lệnh điều kiện để cắt lỗ kịp thời khi giá vàng biến động ngược với trạng thái kinh doanh của khách hàng.
Hơn nữa, TTGDV ACB còn có dịch vụ cảnh báo và xử lý hiện đại. Cụ thể, khi giá vàng biến động bất lợi làm trạng thái khách hàng rơi vào tình trạng cảnh báo, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo từ nhân viên của ACB và tổng đài CallCenter. Khi giá vàng tiếp tục biến động bất lợi làm cho trạng thái khách hàng rơi vào tình trạng xử lý, ACB sẽ xử lý tự động trạng thái của khách hàng để tránh thua lỗ nhiều hơn cho khách hàng. Việc ACB kéo dài thời gian giao dịch 22/24 giờ mỗi ngày giúp khách hàng có thể ra quyết định kinh doanh cũng như theo sát với diễn biến của các thị trường lớn trên thế giới, nhằm giảm thiểu rủi ro biến động giá vàng trong đêm.
Một số ý kiến cho rằng, khi giá vàng trên thị trường thế giới đã vượt ngưỡng 1.000 USD/ounce thì khả năng chạm mức 1.130 USD/ounce chỉ còn là thời gian? Theo ông, điều đó liệu có xảy ra?
Mọi dự báo chỉ là dự báo, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh giới đầu tư đang chuyển từ đồng USD sang một số tài sản khác (chứng khoán, vàng…) để tránh rủi ro lạm phát.
TIN LIÊN QUAN |