Trong 7 dự án này, có 3 dự án đã được phê duyệt, 4 dự án đang trong quá trình chuẩn bị để đàm phán, với tổng nguồn vốn vay ưu đãi 300 triệu USD.
Có nghĩa, nếu không đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng và điều đó thật đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế.
Thực tế, kể từ khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, vốn ODA cam kết cho Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm dần.
Việt Nam cũng đã chính thức dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) từ tháng 7/2017, thay vào đó, từ năm 2018 chỉ được nhận các khoản vay IBRD và IDA chuyển đổi, ít ưu đãi hơn, thậm chí là không ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB). Từ năm sau, sẽ là các khoản vay của ADB.
Trong bối cảnh đó, tranh thủ từng đồng vốn ODA quý giá là điều cần thiết. Đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, tránh tình trạng để giải ngân kéo dài, dẫn đến đội vốn, tăng tổng mức đầu tư là điều đã luôn được nhắc tới.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, dư luận đề cập nhiều các dự án đường sắt đô thị, trong đó có dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, hay đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông….
Đây là những dự án chậm tiến độ, đội vốn cao, không những không thể sớm đi vào hoạt động để góp phần giải quyết nút thắt về hạ tầng, mà còn khiến nguồn vốn vay ODA trở nên kém hiệu quả.
Hệ lụy sẽ lớn hơn, khi tới đây, Việt Nam không được tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn ODA ưu đãi. Bởi thế, điều quan trọng là cần có định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA trong giai đoạn mới. Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ dự thảo định hướng này.
Câu hỏi đặt ra lúc này là việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA tới đây sẽ như thế nào khi cả lãi suất vay và phí thu xếp vốn sẽ tăng dần.
Trong bối cảnh đó, nếu không cân nhắc kỹ thì có thể mắc bẫy, vì mức lãi suất vay và phí thu xếp vốn có thể còn cao hơn so với lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.
Chưa kể, một số khoản vay còn kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu, khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với đấu thầu cạnh tranh.
Bên cạnh đó còn là vấn đề liên quan đến rủi ro do biến động tỷ giá, do quá trình triển khai dự án kéo dài, do lựa chọn dự án chưa chính xác…
Đây là những vấn đề cần tính tới, một khi Việt Nam vẫn muốn tranh thủ nguồn vốn vay từ nước ngoài để giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là về hạ tầng.
Ngoài ra, cần tính đến phương án phát triển mạnh thị trường vốn trong nước để giải quyết nhu cầu đầu tư phát triển giai đoạn tới, trước mắt là giai đoạn 5 năm (2021 – 2025), để không còn quá phụ thuộc vào nguồn vốn ODA hiện trở nên ít ưu đãi hơn.