Số DN phải cổ phần hóa, thoái vốn 
giai đoạn 2014 - 2015 hiện tăng thêm 100, 
ở mức 532 DN

Số DN phải cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2014 - 2015 hiện tăng thêm 100, ở mức 532 DN

Tranh mua "hàng ngon" từ các đợt đấu giá sớm ngày đầu năm

(ĐTCK) Ngày hôm nay (9/1), tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) diễn ra 2 phiên đấu giá cổ phần lần đầu của hai DN tại Hà Nội. Được biết, số lượng NĐT và số cổ phần họ đặt mua tính đến đều cao hơn nhiều so với số lượng chào bán.

Cùng ngày, tại Cà Mau, Công ty TNHH Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) tổ chức ĐHCĐ thành lập CTCP ngay sau khi IPO. Những động thái này cho thấy, cổ phần hóa, IPO gắn với niêm yết sẽ rất “nóng” trong năm nay.

Tranh mua “hàng ngon”

Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang Hà Nội (Hafasco) sẽ tổ chức đấu giá 2.199.000 cổ phần tại HNX, với giá khởi điểm 11.300 đồng/CP vào ngày 9/1. Theo thông báo của HNX, tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua tại đợt đấu giá này là 23.505.800 cổ phần, gấp 10,7 lần số lượng cổ phần bán đấu giá.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hà Nội (Hanoi Food) tổ chức đấu giá 3.450.800 cổ phần, với giá khởi điểm 10.500 đồng/CP. Tính đến thời điểm chốt đăng ký, tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 12.288.300 cổ phần, cao gấp 3,5 lần số lượng cổ phần bán đấu giá. Trong đó, 1 NĐT tổ chức đăng ký mua hết số cổ phần đấu giá; 21 NĐT cá nhân đăng ký mua 8.837.500 cổ phần.

Sức hút của các DN đến từ nhiều yếu tố, trước hết là hoạt động nội tại của DN. Chẳng hạn, Hafasco có doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2014 đạt 559 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 71,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 65 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa của Công ty là 100 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận cao, ổn định, giá khởi điểm 10.500 đồng/CP được đánh giá là hợp lý so với mặt bằng giá cổ phiếu trên sàn. Còn Hanoi Food là DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, vốn đang được các NĐT quan tâm. Khá nhiều sản phẩm của DN được biết đến rộng rãi trên thị trường như rượu Vodka, nước chanh muối…

Đáng chú ý, các DN trên có quỹ đất khá lớn. Hafasco có trụ sở tại phố Đinh Lễ, khu vực “đất vàng” của Thủ đô và nhiều địa điểm đắc địa khác. Trong phương án cổ phần hóa, công ty này phải chuyển nhiều địa điểm đất đai về Công ty mẹ là Tổng công ty Thương mại Hà Nội, song vẫn còn một số dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành dự án bất động sản căn hộ, văn phòng… Hanoi Food cũng tọa lạc trên khu đất rộng, số 46/79 đường Hoàng Mai, Hà Nội.

Các DN có “đất vàng” tại các thành phố lớn thuộc diện cổ phần hóa đều đang trở thành “hàng ngon” được săn lùng trên thị trường. Nếu đưa ra đấu giá công khai, giới phân tích đánh giá, đều thu hút nhiều NĐT tham gia, nhất là các NĐT tổ chức. 

Rốt ráo niêm yết

Theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các DN thực hiện IPO và chuyển đổi hoạt động mô hình trong năm 2015 đều phải đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch tập trung trên sàn UPCoM trong vòng 90 ngày, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký DN. Tuy nhiên, không ít DN tính chuyện niêm yết luôn trên Sở GDCK.

Trường hợp của Đạm Cà Mau là ví dụ, IPO vào ngày 11/12/2014, ngày 9/1 tới, DN sẽ tổ chức ĐHCĐ thành lập DN. Trong đại hội này có những phần việc quan trọng như thông qua tờ trình xin niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), kế hoạch kinh doanh năm 2015, tỷ lệ cổ tức dự kiến. Sau đại hội, Đạm Cà Mau sẽ xúc tiến các thủ tục để nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE, dự kiến ngay sau Tết Nguyên đán.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó ban chỉ đạo cổ phần hóa Đạm Cà Mau cho biết, DN thực sự muốn huy động các nguồn lực đại chúng cả về tài chính và tâm sức cho quá trình phát triển trong tương lai. Do đó, Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau quyết tâm niêm yết sớm.

Đầu năm, HOSE và HNX cũng đã nhận được hồ sơ niêm yết của các DN đại chúng vốn là DNNN cổ phần hóa như CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Kiên Giang, CTCP Dược phẩm trung ương 3. Từng chẳng mấy quan tâm đến việc hỗ trợ DNNN cổ phần hóa niêm yết, song nay Ban đổi mới phát triển DN các địa phương đã có sự thay đổi. Ngay đầu năm, Ban đổi mới DN TP. HCM đã ký biên bản hợp tác với HOSE để đẩy mạnh công tác phối hợp trong các lĩnh vực như tổ chức bán đấu giá cổ phần, hỗ trợ DN niêm yết, đăng ký giao dịch sau IPO…

Tính đến cuối năm 2014, cả nước đã sắp xếp 167 DN, trong đó cổ phần hóa 143 DN (gấp 2 lần năm 2013). Đáng chú ý, sau khi rà soát, bổ sung danh mục DN phải cổ phần hóa theo tiêu chí phân loại DNNN mới được ban hành thì số DN phải cổ phần hóa, thoái vốn tới thời điểm này tăng thêm 100, ở mức 532 DN.

Nguồn cung tăng, thông điệp từ cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo, quy trách nhiệm quyết liệt lĩnh vực này. Với những biện pháp mạnh mẽ, sáng tạo phù hợp với quy định của pháp luật, những con số của năm 2014 như giá đấu thành công bình quân các đợt bán đấu giá cổ phần qua hai Sở giao dịch là 13.492 đồng/CP, giá đấu bình quân cao nhất là 44.693 đồng/CP, thặng dư khi bán cổ phần của các DNNN là 1.324 tỷ đồng sẽ sớm được chinh phục và vượt qua trong năm 2015.              

Tin bài liên quan