Bên cạnh đó, tình tiết mới đáng quan tâm là một số DN đã đưa ra đề xuất áp dụng hạn ngạch thay vì áp dụng thuế tự vệ.
Theo ý kiến của 4 DN nguyên đơn đề xuất áp thuế tự vệ, đây là việc rất cần thiết trong giai đoạn này để bảo vệ ngành thép trong nước trước làn sóng thép nhập khẩu giá rẻ ồ ạt từ Trung Quốc. Thậm chí, theo ý kiến của ông Mai Văn Hà, Tổng giám đốc CTCP Thép Hòa Phát, việc áp dụng thuế tự vệ để bảo vệ ngành thép trong nước đến thời điểm này là hơi muộn, vì nhiều DN thép nội địa đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thép Miền Nam cho rằng, việc áp thuế không ảnh hưởng đến nguồn cung phôi thép tại thị trường nội địa, bởi công suất sản xuất phôi thép của các nhà máy trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, đồng thời đảm bảo các tiêu chí đối với sản xuất thép xây dựng không chỉ theo tiêu chuẩn quốc gia mà còn tại các thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, đây còn là giải pháp giúp DN sản xuất thép trong nước có thể cạnh tranh công bằng với DN nước ngoài khi đưa chi phí giá thành sản xuất về đúng giá trị thực.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Hồng Quân, Phó tổng giám đốc CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho rằng, tình trạng phôi thép giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam trong năm 2015 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN ngành thép trong nước.
Việc giá phôi thép nhập khẩu liên tục giảm từ 400 USD/tấn đầu năm 2015 xuống 200 USD/tấn vào tháng 12/2015, thấp hơn gần một nửa so với giá thành phôi thép sản xuất trong nước, thậm chí thấp hơn so với chi phí sản xuất tại chính nước xuất khẩu, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, đã khiến các DN sản xuất phôi thép trong nước phải giảm bớt công suất, sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Ở chiều ngược lại, 7 DN phản đối việc áp thuế tự vệ giữ nguyên quan điểm cho rằng, việc áp thuế tự vệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép Việt Nam và gây ra nhiều hệ lụy đến quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như lợi ích quốc gia.
Theo ý kiến của đại diện Công ty Thép Việt Úc, sự bảo hộ ngành thép trong nước với mức thuế cao gây ảnh hưởng đến giao thương với bên ngoài. Đặc biệt, áp thuế tự vệ đối với phôi thép sẽ gây khó khăn nhiều cho DN cán thép, bởi lượng phôi sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Vũ Ngọc Quế, luật sư đại diện cho các DN thép Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, áp thuế sẽ gây hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế, bởi tăng giá thép ảnh hướng tới nhiều ngành kinh tế khác và đẩy thuế lên vai người tiêu dùng, đồng thời tạo lợi ích cho một nhóm các DN.
Theo ông Hoshino Yoichi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (KSVC), hiện nay năng lực cung cấp phôi thép của thị trường trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu khá lớn về phôi thép của Công ty, do đó, DN phải tăng lượng phôi nhập khẩu. Để đảm bảo công bằng cho các DN như KSVC, ông Yoichi đề xuất nên áp dụng cơ chế hạn ngạch nhập khẩu đối với phôi thép, thay vì áp dụng thuế tự vệ. Việc này vừa đảm bảo kiểm soát được lượng phôi nhập khẩu, vừa công bằng đối với các DN trong ngành.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Hiện trong nước có 27 nhà máy sản xuất phôi thép với năng lực 11 triệu tấn và 38 nhà máy sản xuất thép xây dựng, sản lượng khoảng 12 triệu tấn.
Thép sản xuất trong nước đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, tương đương thép xây dựng mác cao của thế giới. Tuy nhiên, tới 50% nhà máy sản xuất phôi thép chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa, trong khi lượng phôi nhập khẩu quý I/2016 vẫn rất lớn với giá thấp, chỉ khoảng 6,5 triệu đồng/tấn, đặc biệt là phôi thép Trung Quốc đang bán dưới giá thành sản xuất khiến các DN trong nước gặp khó khăn.
Việc áp thuế tự vệ là cần thiết để bảo vệ ngành thép trong nước, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. Quan trọng nhất là DN phải nhân cơ hội này cơ cấu lại sản xuất để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Đại diện Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương
Lượng thép nhập khẩu gần đây gia tăng đáng lo ngại nên cần được theo dõi chặt chẽ. Việc áp thuế tự vệ là biện pháp cần thiết lúc này.
Về ý kiến cho rằng, đánh thuế cao sẽ ảnh hưởng nguồn cung, chúng tôi khẳng định, quy hoạch công suất của các nhà máy hiện nay, với các nhà máy có quy mô lớn bao gồm Hòa Phát, Thép Việt Ý, TISCO, Vinakyoe, Pomina…, năng lực sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, một số dự án nhà máy thép vẫn chưa thể hoàn thành, theo giải trình của DN là do nguồn cung trong nước rất lớn, nếu đưa vào hoạt động cũng khó tìm được đầu ra. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc có tiếp tục đưa các dự án này vào quy hoạch ngành thép hay không.