Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công

Tranh luận chi đầu tư, chi thường xuyên sắp đến hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
Sau những tranh luận kéo dài ở nghị trường, Luật Đầu tư công đã được “giải oan” và phương án gỡ vướng cho các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư cũng đã có lối ra.

Không dám làm do cách hiểu

Trong phiên họp thứ 29 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công.

Quy định tại khoản này có phải là nguyên nhân gây ra các vướng mắc trong thực tế về chi thường xuyên có tính chất đầu tư hay không là vấn đề đã được nêu nhiều lần ở các phiên thảo luận, chất vấn, không chỉ tại một kỳ họp của Quốc hội, với những quan điểm rất khác nhau.

Theo phản ánh của một số vị đại biểu Quốc hội, rất nhiều địa phương đang vướng mắc về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư.

Ở Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói rằng: “Trong khi chúng ta đang tranh luận ở đây, là thời điểm lập dự toán, phân bổ ngân sách năm 2024, việc sửa chữa và nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Nếu làm theo chi thường xuyên, thì gần như chắc chắn phải tìm cách lách để có cái tên cho ít bị để ý đến cho việc giải trình nhỏ to với cơ quan chức năng nếu như bị hỏi tới”.

Và, Bộ trưởng Bộ Tài chính (khi trả lời chất vấn cũng như giải trình nhiều lần trước đó) luôn khẳng định, nguyên nhân là do quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công.

Nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh khẳng định, Điều 6, Luật Đầu tư công chỉ nhằm phân loại dự án, chứ không phải định nghĩa dự án đầu tư công.

Mà, mọi việc phát sinh từ ngày 15/9/2021, thời điểm hiệu lực của Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thông tư này không điều chỉnh các vấn đề về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản, nhưng lại bãi bỏ Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Vì thế, từ năm 2022 và cho đến nay, các địa phương, các bộ, ngành đều vướng.

Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội gửi ngay văn bản làm rõ chi thường xuyên có tính chất đầu tư cho Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan.

Yêu cầu này đã được thực hiện. Nhưng tại Tờ trình ngày 29/12/2023, Chính phủ cho biết, vẫn có cách hiểu là, theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công, toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công, nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.

Theo cách hiểu này, việc thực hiện có nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ công của nhân dân.

Vì thế, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công để có cách hiểu thống nhất, khơi thông nguồn lực công, đáp ứng hoạt động của bộ máy nhà nước.

Không phải vướng ở Luật Đầu tư công

Các ý kiến thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với quan điểm của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đó là nội dung tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công đã rõ.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, “không giải thích được gì” ở khoản này, nếu cần, thì giải thích điểm b, khoản 2, Điều 12, Luật Ngân sách nhà nước. Điểm này quy định “chi thường xuyên phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”, có thể giải thích khoản chi thường xuyên này bao gồm cả các thứ chi thường xuyên có tính chất đầu tư.

“Trong thực tế, không phải vướng ở Luật Đầu tư công, mà do cách hiểu, cách vận hành”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nếu những sửa chữa nhỏ như Bộ trưởng Bộ Tài chính từng nêu ở Quốc hội (đại sứ quán muốn xây một hàng rào cũng phải lập dự án đầu tư công), thì lấy tiền ở đâu? Bởi vì, Quốc hội đã có nghị quyết về đầu tư công trung hạn cho cả một nhiệm kỳ, đã “fix” (phân bổ cụ thể) từng đồng trong số 2,8 triệu tỷ đồng rồi.

“Vì thế, những xây dựng, sửa chữa nhỏ đều làm theo quy trình, thủ tục xây dựng cơ bản, đều có lập dự án, thiết kế, thi công... Nếu cần phải đấu thầu, thì sẽ đấu thầu theo Luật Đấu thầu, còn tiến hành xây dựng và sửa chữa, nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao…, thì theo Luật Xây dựng, nhưng không phải là chi từ vốn đầu tư công, mà là chi thường xuyên”, Chủ tịch Quốc hội giải thích.

Về lâu dài, theo Chủ tịch Quốc hội, nên rà soát Luật Ngân sách nhà nước, để quy định cho chi tiết hơn.

“Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội chúng tôi cho là rất đúng đắn và thỏa mãn nhất”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và làm rõ thêm rằng, nếu Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi năm 2015 mà không bỏ phần chi thường xuyên có tính chất đầu tư, thì không có vướng mắc gì. Nhưng vì Luật Ngân sách nhà nước đã bỏ phần này, đưa ra phân biệt chi thường xuyên và chi đầu tư, khi đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật Đầu tư công đã quy định rồi, nên Luật Ngân sách nhà nước không quy định.

Sau khi Luật Đầu tư công được ban hành, thì Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước cũ vẫn tồn tại, đến sau này, có nhiều quan điểm khác nhau, Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư số 65/2021/TT-BTC và “các cơ quan không dám làm do cách hiểu”, ông Phớc giải thích.

“Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội rất chính xác và đúng đắn, chỉ ở trong khoản kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm là vốn đầu tư công, còn sử dụng các vốn khác, nhưng làm theo tính chất đầu tư, thì vẫn phải lập dự án đầu tư, vẫn phải phê duyệt dự toán, vẫn phải đấu thầu. Ý kiến đó giải thoát hết tất cả mọi vướng mắc. Chúng tôi muốn có một sự đồng tình giải thích như thế để anh em vững tâm làm”, Bộ trưởng Phớc nói tiếp.

Chốt lại, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kết luận, Điều 6, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về phân loại dự án đầu tư công theo tính chất và theo mức độ quan trọng của quy mô để làm căn cứ áp dụng các quy định pháp luật trong việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công được phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hàng năm để thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.

Tuy nhiên, nếu cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có thể xử lý theo 2 hướng.

Một là, nghiên cứu, ban hành một văn bản hướng dẫn về Luật Ngân sách nhà nước theo thẩm quyền, và đó là cách giải quyết nhanh nhất.

Hai là, nếu cần thiết có dự thảo nghị quyết để giải thích Luật Ngân sách nhà nước, thì phải chuẩn bị hồ sơ đúng theo quy trình, sau khi thẩm tra thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin bài liên quan