Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu.

Tranh luận áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón tiếp tục nối dài

0:00 / 0:00
0:00
Hàng chục ý kiến phát biểu và tranh luận tại nghị trường vẫn thể hiện những quan điểm hết sức khác nhau về việc có nên áp thuế 5% với phân bón hay không.

Trong khi một số vị ủng hộ mạnh mẽ áp thuế suất 5% với phân bón thì một số người khác cho rằng không thể để người sử dụng phân bón bị ảnh hưởng, phiên thảo luận sáng 29/10 của Quốc hội tiếp tục nối dài tranh luận về áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mặt hàng phân bón.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu nhiều lập luận cần thiết đưa phân bón quay lại diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Nhưng hàng chục ý kiến phát biểu và tranh luận sau đó vẫn thể hiện những quan điểm hết sức khác nhau về việc có nên áp thuế 5% với phân bón hay không.

Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định, việc không áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón không chỉ là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Chính sách này giúp ổn định giá cả nông sản, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta. Trong bối cảnh nền nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thì việc duy trì ưu đãi thuế cho phân bón là cần thiết và xứng đáng được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Một số vị đại biểu tán thành mạnh mẽ quan điểm này.

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nói, thuế GTGT là một loại thuế gián thu và cuối cùng người phải gánh chịu thuế chính là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá phân bón trên thị trường và điều này sẽ tạo ra những tác động không hề nhỏ đối với ngành nông nghiệp và người nông dân. Trong khi đó ngành nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững, đầu ra sản phẩm nông nghiệp vẫn còn cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm nước ngoài.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói, áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không có tác hại như các đại biểu đã phân tích.

“Tôi cho rằng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phải bình đẳng với nhau. Việc áp thuế 5% chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước chúng ta bảo vệ được và người dân sẽ có cơ hội được giảm giá phân bón. Nguyên tắc làm giá phải theo quy định của tài chính, không phải đương nhiên sẽ tăng lên 5% và người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tôi vẫn bảo vệ quan điểm này và tôi đồng tình với cách giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) tranh luận.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) tranh luận.

Cũng ủng hộ áp thuế 5% với phân bón, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết ông hoàn toàn tán thành những ý kiến của các đại biểu ủng hộ nông dân, thông cảm với nông dân.

“Nhưng chúng ta đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu lao động đang làm việc ở đó và nếu như họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân này sẽ như thế nào”.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Chia sẻ với ý kiến đại biểu Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi nói “chúng ta nên để cho ngành sản xuất phân bón được đối xử một cách bình đẳng, theo đúng cơ chế thị trường, tức là phải được chịu thuế và được khấu trừ đầu vào như tất cả các ngành sản xuất trong nước khác”.

Cũng thảo luận về áp thuế cho phân bón, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, nếu để hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người sử dụng phân bón thì phương án chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau và có thể quy định mức thuế suất là 1% hoặc 2% hay 3% với mặt hàng phân bón sẽ tối ưu hơn. Còn phương án áp thuế suất 5% với phâ bón tại Dự thảo tuy chưa thực sự hoàn hảo song cân nhắc về nhiều mặt thì là phương án có thể chấp nhận được.

“Đã có nhiều ý kiến lo ngại như vậy thì người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động bất lợi của quy định này. Đúng là trước mắt thì có thể người nông dân sẽ chịu thiệt, nhưng theo xu hướng phát triển hàng hóa trong nước thì sẽ có lợi về lâu dài. Bởi vì về lâu dài thì phân bón trong nước không còn bị bảo hộ ngược, nên sản xuất trong nước sẽ được bảo đảm tốt hơn. Nguồn cung trong nước sẽ mạnh hơn, không bị phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu”, ông Hà Sỹ Đồng phân tích.

Với bối cảnh thế giới hiện nay, vị đại biểu Quảng Trị cho rằng, tự chủ được phân bón trong nước thì rất có lợi. Khi doanh nghiệp phân bón trong nước làm ăn tốt, thì nguồn cung ổn định, nông dân sẽ giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón.

Báo cáo giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích, khi áp thuế 5% với phân bón thì đúng là tăng giá. Tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu, mà giá nhập khẩu thì có nghĩa là doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước. Vì vậy, khi giá nhập khẩu tăng lên thì doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Như vậy, sẽ giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón.

"Chúng tôi tha thiết đề nghị đại biểu ủng hộ cho phương án như đã trình, tức là thuế suất 5% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giá", ông Phớc trình bày.

Tin bài liên quan