Đại biểu Lê Thanh Vân (bên phải) và đại biểu Hà Sỹ Đồng góp ý sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội
Chuyển từ tham luận sang tranh luận
Bên cạnh những vấn đề chung của đất nước, tuần này, Quốc hội dành gần trọn một buổi chiều để thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi.
Các ý kiến tham gia thảo luận đều tán thành cao với sự cần thiết của sửa đổi này và đánh giá cao nhiều nội dung mới, nhằm tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Một trong những vấn đề được quan tâm thảo luận và gây tranh luận là quy định về phiên thảo luận toàn thể.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh, thủ tục tiến hành kỳ họp là vô cùng quan trọng, ở Mỹ, văn bản quy định về thủ tục này hơn 1.000 trang. Còn Dự thảo trình Quốc hội thảo luận thì thiên về quy định thủ tục có tính phổ biến.
Nhấn mạnh thảo luận là phương thức quan trọng nhất của kỳ họp, nhưng với kinh nghiệm của đại biểu tái cử, ông Vân nhận xét, các phiên thảo luận hiện nay phần lớn là tham luận theo lối mòn xưa cũ, mỗi người lấy một tờ giấy ra đọc.
Đại biểu Vân đề nghị, thảo luận ở tổ là bước sàng lọc vấn đề, để đến khi ra hội trường chỉ tập trung vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tranh luận để làm tiệm cận tính chính xác của vấn đề. “Cách này cũng để nâng cao khả năng tranh biện của đại biểu, chứ đọc ê a thì dân chán và đại biểu buồn ngủ lắm”, ông Vân nhận xét.
Chuyển từ tham luận sang thảo luận, ông Vân khẳng định, chất lượng hoạt động của Quốc hội chắc chắn sẽ được nâng lên.
Đồng tình quan điểm này, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng (người đã 3 nhiệm kỳ liên tục là đại biểu Quốc hội) nhận xét, cách thảo luận như hiện nay (mời theo thứ tự, phát biểu theo vấn đề đại biểu quan tâm - PV) có thể lắng nghe được ý kiến đại biểu ở tất cả các tỉnh, thành phố, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng quá dàn trải.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị đổi mới theo hướng, sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn một số vấn đề lớn được đại biểu tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận tại hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ, từ đó có thể đưa ra quyết sách đúng tầm. Với thời gian hai ngày, có thể chọn khoảng 6-8 vấn đề xếp theo thứ tự ưu tiên, thông báo trước cho đại biểu vài ngày để có thời gian chuẩn bị, sau đó tiến hành thảo luận theo thứ tự ưu tiên đó.
“Với cách thức này, những ai nắm chắc, nắm sâu vấn đề sẽ bấm nút đăng ký tham gia, không cần ‘nhường nhau’ để mỗi đoàn đều có đại diện được phát biểu như hiện tại. Nhưng quan trọng hơn là sẽ tránh được những thông tin trùng, nếu đa số phát biểu đã được chuẩn bị sẵn như hiện nay”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Việc chọn vấn đề trọng tâm để thảo luận, theo vị đại biểu Quảng Trị, cũng giúp các đại biểu dù không tham gia thảo luận, tranh luận, cũng sẽ yên tâm hơn khi đưa ra quyết định của mình, vì đã được nghe trao đi đổi lại, nghe phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau.
“Nếu vẫn duy trì Quốc hội làm việc hết giờ như hiện nay, thì số lượng đại biểu được thể hiện chính kiến ở mỗi phiên họp sẽ luôn luôn là thiểu số. Mà Quốc hội quyết định theo đa số. Việc đổi mới cách thức thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, thiên về tranh luận chắc chắn sẽ khiến đa số đại biểu tự tin hơn khi đưa ra quyết định của mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.
Lo đại biểu “tổn thương”
Quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân lập tức gây tranh luận. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, để làm được như ý kiến đại biểu Vân, cần có lộ trình.
Theo đại biểu Huân, với đại biểu tái cử hay đã được đào tạo, có thể tranh biện, nhưng đại biểu lần đầu tham gia có khi cũng chỉ phản ánh trung thực ý kiến cử tri với Quốc hội.
“Nếu yêu cầu không được cầm giấy đọc, thì một số đại biểu e ngại. Nội dung thảo luận về kinh tế, xã hội rất rộng, nếu chọn một vài vấn đề để thảo luận, thì sợ là cử tri không được nêu tiếng nói của mình. Thảo luận về kinh tế, xã hội là nội dung quan trọng, nên có thể đại biểu vô tình phát biểu trùng, chứ không phải vì thích lên ti vi, nếu không nói rõ thì có một số vị có thể thấy tổn thương”, ông Huân nói.
Cũng đồng tình với đại biểu Huân, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, có thể học tập kinh nghiệm của cơ quan lập pháp nước ngoài, nhưng so sánh với kinh nghiệm của Mỹ (như đại biểu Vân), thì cần suy nghĩ thêm.
Đồng tình là hiện nay vẫn là Quốc hội tham luận, song đại biểu Phước cho rằng, lỗi không phải do đại biểu, mà do đang còn thiếu quy trình, thiếu hướng dẫn. “Mặt khác, nếu thảo luận theo hướng đại biểu Vân nói, thì phải tính từ khâu chọn người ứng cử, đến công tác đào tạo sau trúng cử... tất cả đại biểu đều mong muốn như vậy, nhưng phải có lộ trình”, đại biểu Phước nêu quan điểm.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Vân trao đổi lại với đại biểu Huân là ông không đưa ra yêu cầu đại biểu phải có khả năng tranh luận. Nhưng ông Vân đồng tình với đại biểu Phước là việc chọn người ứng cử liên quan mật thiết đến chất lượng của Quốc hội.
“Với mỗi đại biểu được giới thiệu ứng cử, việc đầu tiên là vận động để cử tri bầu cho mình, kỹ năng tối thiểu là phải hùng biện và ở nghị trường này phải có khả năng đó. Một người bình thường cũng có khả năng hùng biện, đại biểu còn là người đại diện cho hàng trăm ngàn cử tri”, ông Vân nêu quan điểm.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị dừng tranh luận về vấn đề này, chuyển sang vấn đề khác.
Phát biểu sau đó, cũng tham gia về cách thức phát biểu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cầm giấy hay không cầm giấy phát biểu cũng được, nhưng ý kiến phải tốt, phải hay, phải mang tính xây dựng cao, trách nhiệm cao. “Tôi có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, nhưng cho phép tôi cầm giấy khi phát biểu vì không cầm giấy thì không làm chủ được cảm xúc, như thế rất tai hại, rất không ổn”, ông Trí bày tỏ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ tư này.
Bỏ quy định về thông tin xấu, độc
Về tài liệu phục vụ kỳ họp, khoản 6, Điều 7, Dự thảo Nghị quyết quy định: trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bỏ quy định này. “Tôi tin rằng, mỗi đại biểu Quốc hội đều đủ khả năng để phân biệt và xử lý mọi thông tin liên quan đến nội dung kỳ họp. Quy định như Dự thảo vừa khó thực hiện, vừa tạo thêm những lãng phí không cần thiết và khó thực hiện bởi nội hàm của ‘thông tin xấu, độc’ rất mơ hồ. Quốc hội không phải là một cơ quan hành chính, nên những quy định làm phát sinh thêm những thủ tục vừa khó hiểu, vừa khó thực hiện như khoản 6, Điều 7, theo tôi, là không cần thiết”, ông Hà Sỹ Đồng nêu chính kiến.
Hoàn thiện quy định về kỳ họp bất thường
Giải trình ý kiến đại biểu thảo luận ở tổ, Trưởng ban Soạn thảo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Dự thảo đã bổ sung, chỉnh lý quy định về kỳ họp Quốc hội để có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp một cách linh hoạt, gồm một hoặc nhiều đợt. Dự thảo cũng hoàn thiện quy định về kỳ họp bất thường để vừa bảo đảm chặt chẽ trong việc tổ chức kỳ họp, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo Dự thảo, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu, thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường.