Lạm phát tiếp tục tăng
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 tiếp tục tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 2,75% so với cùng kỳ 2017. Tính bình quân 4 tháng đầu năm 2018, CPI tăng 2,8% so với bình quân 4 tháng đầu năm 2017.
CPI tăng khiến lạm phát cơ bản tháng 4/2018 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ 2017. Tính bình quân, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI chung tăng (0,11%) là bởi 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 7/4 và 23/4.
Thực tế, việc CPI tăng do ảnh hưởng của giá xăng dầu hay điện đã được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo từ đầu năm nay. Theo dự báo của Cục Quản lý giá, giá điện được điều chỉnh tăng 6,08% từ cuối năm 2017 sẽ tác động lên mặt bằng giá chung và làm tăng CPI khoảng 0,1%.
Trong khi đó, với xu hướng phục hồi của giá xăng dầu thế giới từ đầu năm 2018 với mức tăng bình quân 5-10% so với bình quân năm 2017, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng khoảng 5-15%, từ đó tác động vào CPI chung khoảng 0,28-0,64%.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu thường diễn biến khó lường, khiến việc đánh giá một cách cụ thể tác động tới nền kinh tế trở nên khó khăn.
“Hiện tại, đà tăng của giá xăng dầu thế giới đang bị nguồn cung dầu đá phiến chặn lại, nhưng điều này khó kéo dài. Do đó, trong thời gian tới, các nhà điều hành chính sách cần theo dõi sát sao khả năng tăng của giá xăng để có phương án điều hành phù hợp cho từng kỳ, giúp cân bằng mức tăng với giá cả thị trường, tránh tăng quá mạnh gây xáo trộn thị trường, tác động xấu tới CPI và ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra”, ông Độ nhấn mạnh.
Cẩn trọng điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
Một vấn đề đáng chú ý khác liên quan tới sự biến động của giá xăng là đề xuất tăng thuế môi trường gần đây của Bộ Tài chính. Theo phương án đề xuất tại Dự thảo điều chỉnh thuế môi trường của bộ này, thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Ngoài ra, mặt hàng dầu và than cũng nằm trong nhóm hàng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường.
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nếu Dự thảo được Chính phủ thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2018, thì sẽ tác động lên CPI tháng 7 và khiến CPI tháng 7 đầu năm tăng khoảng 0,27-0,29%, đồng thời làm tăng CPI bình quân của năm 2018 lên khoảng 0,11-0,15%.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho thấy sự tương đồng trong cách đánh giá CPI. Cụ thể, nếu giá điện tăng 6,08% sẽ khiến CPI năm 2018 tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, nhưng nếu tăng cao hơn, từ 8-10%, sẽ khiến lạm phát tăng tương ứng từ 0,1-0,15 điểm phần trăm. Còn nếu giá dầu thô tăng khoảng 15-17% sẽ làm tăng giá xăng, dẫn tới tăng giá vận tải giao thông từ 5-7% so với năm 2017, từ đó làm tăng CPI tổng thể từ 0,5-0,7%.
"Nếu không có đột biến, lạm phát năm 2018 sẽ cận kề chỉ tiêu Quốc hội giao là 3,5-3,8%. Nhưng nếu đột biến xảy ra, hoặc cùng lúc có nhiều yếu tố làm tăng CPI xuất hiện, chẳng hạn như xăng dầu, điện và các mặt hàng dịch vụ công cùng tăng giá, thì nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng vượt mức đặt ra", Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cảnh báo.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương) khuyến cáo, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu và điện, các nhà quản lý cần hết sức thận trọng trong điều hành giá những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác, tránh cùng lúc có những biện pháp điều hành mang tính hành chính, bó hẹp trong muc tiêu quản lý nhà nước, có thể dẫn tới "tác động kép" khiến lạm phát tăng vượt mức kiếm soát.
Để đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu 4%, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước, xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 để khuyến khích tiêu dùng; điều hành ổn định giá điện trong năm 2018 và tăng cường truyền thông trong sử dụng và tiết kiệm điện, tránh tạo ra “lạm phát kỳ vọng”.