Việt Nam hiện đã ký kết 77 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước trên thế giới

Việt Nam hiện đã ký kết 77 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước trên thế giới

Tránh đánh thuế hai lần, coi chừng thất thu ngân sách

(ĐTCK) Báo cáo vừa công bố mới đây do Action Aid Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện đã chỉ ra hệ lụy đáng ngại từ việc ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Ông Trần Anh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc CIEM, đại diện nhóm thực hiện nghiên cứu cho biết, hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTT) là thoả thuận giữa các quốc gia nhằm chia sẻ quyền lợi về thuế.

Với chính sách này, một công ty hoặc cá nhân sẽ không bị đánh thuế hai lần khi họ có trụ sở tại một quốc gia, nhưng lại tạo ra thu nhập ở một quốc gia khác. Từ năm 1992, Việt Nam đã tham gia vào 77 DTT, nhiều hơn tổng số hiệp định được cả bốn nước Lào, Myanmar, Campuchia và Philippines đã ký kết.

Báo cáo khảo sát nghiên cứu do ActionAid Việt Nam thực hiện vào năm 2016 cũng cho thấy, 84% vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn ở Việt Nam đến từ các nước đã ký kết DTT với Việt Nam. Đây là  điều rất cần nhìn nhận và đánh giá lại một cách kỹ lưỡng.

“Trong khi các DTT có thể mang lại quyền lợi nhất định cho các doanh nghiệp quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài thì chúng có thể hạn chế khả năng của các nước đang phát triển trong việc đánh thuế các công ty đa quốc gia.

Đồng thời, nó cũng có thể dẫn tới việc các công ty đa quốc gia tận dụng các hiệp định thuế nhằm tránh thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp hơn. Bằng cách đó, nguồn thu từ thuế sẽ vẫn nằm trong túi của các công ty đa quốc gia, thay vì được phân bổ để đầu tư cho dịch vụ công ở các nước đang phát triển”, ông Dương phân tích.

Từ đó, nhóm nghiên cứu chỉ ra một hệ lụy đáng quan ngại của chính sách tránh đánh thuế hai lần thất thu ngân sách dẫn tới giảm thu ngân sách, từ đó, ảnh hưởng tới cán cân thu chi ngân sách của Nhà nước và tác động tới phân bổ chi tiêu cho các dịch vụ công, thậm chí là đầu tư cho cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm chất lượng các dịch vụ công.   

Một ví dụ cụ thể được nhóm nghiên cứu đưa ra về các điều khoản hạn chế là DTT ký với Singapore năm 1994 không cho phép Việt Nam được đánh thuế cổ tức của các công ty từ quốc đảo này, ngay cả khi các công ty này tạo ra thu nhập hoặc lợi nhuận đối với Việt Nam.

Hay như trong DTT Việt Nam ký kết với Anh, một doanh nghiệp nước này hoạt động tại Việt Nam chỉ phải trả thuế nếu có cơ sở thường trú ở Việt Nam và ngược lại, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp ước này cũng có những điều khoản miễn thuế với một số công ty cụ thể hoạt động ở Việt Nam.

Trên phương diện này, theo đánh giá của các chuyên gia CIEM và Action Aid, việc ký kết 77 DTT với các quốc gia một mặt có thể đem lại lợi ích lớn trong việc thu hút vốn FDI. Tuy nhiên khi “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư, cách tiếp cận này sẽ làm tăng nguy cơ bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như giảm mức thuế có thể thu được từ đầu tư nước ngoài để đầu tư cho dịch vụ công và phát triển cơ sở hạ tầng.  

Mặc dù vậy, đại diện CIEM cũng cho biết, theo dữ liệu của ActionAid, khi so sánh các đặc trưng cơ bản của 519 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và đánh giá mức độ mà mỗi hiệp định này bảo vệ hay hạn chế khả năng mà các nước đang phát triển có thể đánh thuế các công ty nước ngoài thì các hiệp định thuế của Việt Nam có tính bảo hộ cao hơn so với các hiệp định của các nước đang phát triển và các nước thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy một số hiệp định đã hạn chế đáng kể các quyền về thuế của
Việt Nam.

“Đã đến lúc cần xem xét lại một cách nghiêm túc chính sách tránh đánh thuế hai lần, bảo hộ đầu tư, ưu đãi thuế, cần đưa lên bàn cân để so sánh cân nhắc xem lợi ích thu được liệu có đáng với những chấp nhận hy sinh đánh đổi. Liệu Việt Nam có nên ký kết thêm hiệp định này hay như vậy là đã đủ?”, ông Dương nói.

Để hạn chế những hệ lụy, nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá lại các tác động của những DTT hiện có trước khi ký kết gia hạn các hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong thời gian tới. 

Tin bài liên quan