Tranh chấp với Tân Thành: VBI khẳng định không có cơ sở bồi thường

(ĐTCK) Trước kiến nghị hôm 16/10/2017 của Công ty TNHH Tân Thành (Tân Thành) về việc đôn đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm cho Công ty và xử lý vi phạm đối với VBI, ngày 3/11, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 11800/VPCP-DMDN gửi Bộ Tài chính. Hiện Bộ Tài chính đã nhận được công văn trên.

Rắc rối vụ việc Tân Thành - VBI

Công văn của Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 31/10/2017, Văn phòng Chính phủ đã nhận được kiến nghị của Tân Thành về việc đôn đốc VBI thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm cho Công ty và xử lý vi phạm đối với VBI.

Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản trên đến Bộ Tài chính để xem xét, xử lý và trả lời Tân Thành theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổng hợp trước ngày 21/11/2017.

Vụ việc xảy ra vào ngày 13/5/2014, Công ty Tân Thành bị số lượng đông người tràn vào đập phá, hủy hoại tài sản, đốt cháy nhà xưởng. Ngày 16/7/2014, VBI, với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy nổ cho Tân Thành) đã nhận được Công văn số 121/PC44 (PC54) của Công an tỉnh Bình Dương thông báo kết quả khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân thiệt hại của doanh nghiệp trên tỉnh Bình Dương, trong đó có Công ty TNHH Tân Thành. 

Cùng ngày 16/07/2014, VBI nhận được văn bản số 05.2014/TT-CV của Công ty TNHH Tân Thành yêu cầu VBI giải quyết bồi thường. Ngày 12/8/2014 Công ty Tân Thành nhận được Báo cáo giám định cuối cùng của Công ty Giám định RACO, nhưng vì không đồng ý với báo cáo nên ngày 18/08/2014 Tân Thành phát hành văn bản số 08/2014/TT-CV phản biện kết quả giám định của RACO.

Về phía VBI, căn cứ trên hợp đồng ký kết với Tân Thành và các quy định pháp luật, đã ra thông báo từ chối trả tiền bảo hiểm vào ngày 15/9/2014. Tuy nhiên, sau đó, phía Tân Thành có nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng, đề nghị can thiệp xử lý vụ việc. Phía các cơ quan chức năng cũng có nhiều công văn về vấn đề này, trong đó Công văn số 11800/VPCP-DMDN gửi Bộ Tài chính nói trên là văn bản mới nhất liên quan đến vụ việc Tân Thành – VBI.

VBI khẳng định không có cơ sở bồi thường

Sau 3 năm, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù có thêm ý kiến  của một số cơ quan chức năng cùng văn bản xác nhận của một số cơ quan có thẩm quyền khác.

Lý giải vấn đề này, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA, đại diện theo ủy quyền của VBI cho biết, 3 năm qua, dù có nhiều văn bản phản biện và cung cấp thêm tài liệu cho VBI nhằm yêu cầu VBI xem xét lại kết quả giải quyết bồi thường, nhưng khách hàng này không hề cung cấp thêm được chứng cứ mới có thể phủ định được kết quả điều tra của Công an tỉnh Bình Dương và kết quả giám định của đơn vị giám định độc lập RACO.

“Trong khi đó, ý kiến của cơ quan chức năng có chuyên môn không thay đổi so với ban đầu, do đó VBI vẫn nhất quán quan điểm từ chối bảo hiểm”, ông Nguyên nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, VBI cho biết, hiện Công ty chưa nhận được công văn chỉ đạo từ Bộ Tài chính, nhưng VBI đã sẵn sàng trả lời câu hỏi của cơ quan này cũng như các bên liên quan. VBI vẫn nhất quán quan điểm từ chối bảo hiểm, mặc dù rất muốn bù đắp những mất mát của khách hàng vì tổn thất là có thật, chỉ có điều không thuộc trách nhiệm của nhà bảo hiểm.

Trong thông báo ngày 15/10/2014 của VBI gửi khách hàng cũng như báo cáo Bộ Tài chính dựa trên báo cáo giám định của Công ty Giám định RACO ngày 31/7/2014 và thông báo số 121/PC44 (PC54) ngày 9/7/2014 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thì nguyên nhân dẫn đến tổn thất tài sản của Công ty TNHH Tân Thành là các hành động phá hoại, cướp bóc và đốt  tài sản của các đối tượng biểu tình, gây mất trật tự an ninh xã hội, vượt ngoài tầm kiểm soát, ngăn chặn của lực lượng bảo vệ và cơ quan chức năng.

“Căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa 2 bên ngày 9/12/2013, Thông tư 220/2010/TT-BTC (Thông tư 220) và dựa trên đánh giá của đơn vị giám định RACO thì với nguyên nhân tổn thất như trên, các thiệt hại của khách hàng trên không thuộc phạm vi được bảo hiểm”, bà Trần Thị Hồng Nhung, Giám đốc Ban Pháp chế VBI nói.

Theo Thông tư 220: “Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra: những thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra”.

Căn cứ trên điều khoản này, phía VBI cho rằng, do  khách hàng chỉ mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nên khi xảy ra thiệt hại xuất phát từ những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra sẽ thuộc diện không được bồi thường bảo hiểm theo quy định tại Thông tư 220.

Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và phản ánh đến bạn đọc khi có diễn biến mới.

Tin bài liên quan