Tranh chấp vé máy bay bị hủy, Công ty Ánh Sao Mai phải bồi thường 309 triệu đồng

Tranh chấp vé máy bay bị hủy, Công ty Ánh Sao Mai phải bồi thường 309 triệu đồng

(ĐTCK) Vì vé máy bay bị hủy, đại lý cấp 2 khởi kiện đại lý cấp 1 đòi hơn 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thiên Ch. (SN 1987, trú tại tỉnh Tiền Giang) làm đại lý phòng vé với CTCP Du lịch Ánh Sao Mai từ tháng 1/2017.

Sau khi ký kết hợp đồng, ông Nguyễn Thiên Ch. được chuyên viên Nguyễn Thành Long của Công ty hướng dẫn và cấp tài khoản truy cập xuất vé các hãng nội địa và tài khoản đại lý trên website của hãng.

Tiếp đó, ông Ch. được hỗ trợ cài đặt phần mềm hệ thống Sarbre Red Wordspase (gọi là hệ thống 1B) để đặt giữ chỗ trên các chuyến bay quốc tế. Ông Ch. chỉ được đặt giữ chỗ, không được xuất vé và xử lý vé.

Ông Nguyễn Thiên Ch. đã nhiều lần đặt giữ chỗ trên hệ thống và thông qua nhân viên CTCP Ánh Sao Mai để xuất vé quốc tế cho khách.

Đến ngày 26/6/2017, khi khách có yêu cầu thay đổi hành trình trên chuyến bay do hãng Asiana khai thác, khứ hồi Los Angles - TP.HCM, ông Ch. liên hệ nhân viên CTCP Ánh Sao Mai kiểm tra giá vé chênh lệch để báo khách. Lúc này, ông Ch. được báo là vé đã bị hủy.

Một mã giữ chỗ khác của hãng Cathay Pacific Airways mà ông Ch. đặt cho khách cũng bị hủy trước đó.

Qua kiểm tra với hãng bay, ông Ch. được biết việc hủy vé là do đại lý cấp 1 (CTCP Ánh Sao Mai) thực hiện, không phải đại lý cấp 2. Ông Ch. là đại lý cấp 2. Toàn bộ thông tin đặt vé, giữ chỗ, xuất vé, hủy vé đều được lưu trong hệ thống hãng bay.

Ông Ch. đã liên lạc với Công ty Ánh Sao Mai để tìm hướng xử lý cho khách vì tiền vé Công ty đã thu nhưng Công ty trốn tránh. Công ty Ánh Sao Mai còn đơn phương khóa hết các tài khoản đặt giữ chỗ và xuất vé nội địa, vé quốc tế của ông Ch. mà không thông báo.

Ông Ch. đã phải thu xếp để có tiền đặt vé bù lại cho khách. Số tiền mua vé mới cho cả 2 mã giữ chỗ là 259 triệu đồng.

Tại tòa, nguyên đơn yêu cầu Công ty Ánh Sao Mai phải hoàn trả số tiền mua vé nêu trên và tiền lãi 50 triệu đồng.

Phía bị đơn, Công ty Ánh Sao Mai cho rằng, việc hủy vé là do ông Ch. thực hiện. Công ty có cho mượn một tài khoản khác để xuất vé quốc tế Abacus. Tài khoản này ông Ch. mượn để đặt chỗ tự bán không hề thông qua công ty. Vé mua rồi bị hủy đều liên quan tài khoản này, không liên quan công ty. Công ty cũng không xuất hóa đơn VAT.

Tòa án cho rằng, chứng cứ tài liệu trong hồ sơ thể hiện tài khoản hủy vé là tài khoản được ký xác nhận Long, không phải tài khoản của ông Ch. Công ty Ánh Sao Mai trình bày việc cho mượn tài khoản quốc tế nhưng không có tài liệu chứng minh.

Do đó, tòa án buộc Công ty cổ phần Ánh Sao Mai phải trả cho ông Nguyễn Thiên Ch. số tiền hơn 300 triệu đồng.

Tin bài liên quan