Ngày 6/12, Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đã gửi đơn tố cáo Công ty Keangnam Vina lên UBND TP. Hà Nội. Đại diện các cư dân cho rằng, vấn đề chỉ được giải quyết nếu có sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Lá đơn nhấn mạnh đến 2 vấn đề. Thứ nhất, Công ty Keangnam Vina có hành vi ép người dân sống tại chung cư Keangnam Hà Nội Landmark Towers phải trả phí quản lý cao hơn mức quy định tại Quyết định số 4520/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội.
Cụ thể, công ty này ép cư dân phải đóng 18.700 đồng/m2/tháng, vượt 14.700 đồng/m2/tháng so với mức trần quy định. Thứ hai, Keangnam đã có hành vi dừng hoạt động thang máy, ngăn chặn người dân ở chung cư có thể tiếp cận căn hộ thuộc quyền sở hữu của mình tại khu 48 tầng.
Hành động ngăn chặn người dân sử dụng thang máy nói trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại chung cư. Các cư dân sống tại các tầng cao của chung cư đã không thể về căn hộ của mình vì thang máy không hoạt động.
Sau khi tố cáo những vi phạm này của Keangnam Vina, cư dân tòa nhà kiến nghị UBND TP. Hà Nội cần buộc công ty này phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu của nhà chung cư theo quy định của Thành phố.
Trong trường hợp Keangnam Vina muốn cung cấp các dịch vụ gia tăng ngoài phạm vi các dịch vụ thiết yếu thì công ty này có trách nhiệm phải thỏa thuận với từng hộ dân. Đặc biệt, Keangnam Vina không được tái diễn hành vi chặn thang máy, hoặc tự ý cắt bất cứ dịch vụ thiết yếu nào có thể gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân.
Chung cư Keangnam Hà Nội Landmark Towers không chỉ gây chú ý về độ cao mà còn về cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư
Cư dân tại đây cũng mong muốn sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể từ cấp thành phố để có thể làm hồ sơ đăng ký thành lập Ban quản trị chính thức, để qua đó, chấm dứt một cách triệt để hành vi lạm dụng quyền hạn của chủ đầu tư Keangnam Vina đối với cư dân.
Ngay sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam tuyệt đối không được dừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, thang máy và phải công khai toàn bộ các khoản thu, chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư.
Đồng thời, quận Từ Liêm phải tổng hợp các nội dung liên quan đến việc quản lý sử dụng dịch vụ nhà chung cư Keangnam về Sở Xây dựng trước ngày 12/12 để cơ quan này báo cáo UBND thành phố Hà Nội.
Được biết, UBND quận Từ Liêm đã có giấy mời ban đại diện dân cư Keangnam và chủ đầu tư tòa nhà đến tham dự buổi làm việc vào 5h chiều ngày 6/12 để nghe toàn bộ các bên liên quan giải trình về vấn đề này.
Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cho các cư dân ở đây cho biết, "Sống trong tòa chung cư cao cấp, các cư dân không cứng nhắc đòi chủ đầu tư chỉ thu phí 4.000 đồng/m2/tháng, nhưng các khoản thu chi cần được công khai để cư dân giám sát chứ không thể áp đặt đơn phương mức giá 18.700 đồng/m2/tháng". Nếu không làm rõ được vấn đề này, các cư dân lo ngại, năm sau, mức giá có thể tăng cao hơn và chủ đầu tư tiếp tục không tôn trọng cư dân.
Trước đó, ngày 3/12, do nhiều cư dân Keangnam không chịu đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà đã hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Ngay sau khi bị cắt một số dịch vụ, hàng trăm cư dân Keangnam đã tụ tập rải tờ rơi, mang bếp than tổ ong ra đốt, trải chiếu tại sảnh nhằm phản đối chủ đầu tư.
Sau gần 4 tiếng đàm phán và nhờ chính quyền địa phương can thiệp, chủ đầu tư mới mở thang máy, cam kết không cắt dịch vụ của cư dân.
Vụ việc tại chung cư Keangnam đã dai dẳng từ lâu nhưng mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại đây không được giải quyết triệt để. Hai bên đôi co mà không có sự hỗ trợ, can thiệp của các cấp chính quyền, khiến sự việc ngày một nghiêm trọng. Không ai có thể lường được nếu chủ đầu tư tiếp tục hành xử như ngày 3/12, những cư dân thiếu bình tĩnh sẽ ứng xử ra sao.