Tranh chấp tại Dự án Quốc Cường Gia Lai 1: Phát pháo hiệu cho các dự án chậm tiến độ

Tranh chấp tại Dự án Quốc Cường Gia Lai 1: Phát pháo hiệu cho các dự án chậm tiến độ

(ĐTCK-online) Chuyện tranh chấp về vấn đề lãi phạt do chậm bàn giao nhà giữa cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 với chủ đầu tư đến lúc này vẫn chưa ngã ngũ vì chưa bên nào nhượng bộ bên nào.

Song, từ câu chuyện này cho thấy, thời gian tới sẽ có nhiều vụ tranh chấp tương tự diễn ra, bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, nhiều dự án phải "đắp chiếu" hoặc dãn tiến độ xây dựng.

 

Nhiều dự án căn hộ… bất động

Theo khảo sát sơ bộ của phóng viên ĐTCK, trên địa bàn TP. HCM có hàng chục, đến hàng trăm dự án căn hộ đã công bố khởi công, chào bán sản phẩm và đặt ra kế hoạch bàn giao căn hộ vào cuối năm nay hoặc năm tới. Tuy nhiên, mới đây, trở lại một số dự án mà chúng tôi đã từng tham dự lễ khởi công, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, phần lớn dự án, từ cao cấp đến trung bình đều đang rơi vào tình trạng ngưng trệ, dự án nào chủ đầu tư có năng lực tài chính thì hoạt động cầm chừng, một số dự án ngưng thi công, thậm chí có dự án đã khởi công cách đây nhiều năm, nhưng đến giờ vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Cách đây nhiều năm, giới kinh doanh địa ốc choáng ngợp trước lễ khởi công hoành tráng của Dự án Richland Hill (số A745 - 746 Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. HCM) do Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và Dịch vụ Hào Quang cùng CTCP Hiệp Phú Thịnh làm chủ đầu tư. Theo thông tin chủ đầu tư công bố lúc đó, vốn đầu tư ban đầu của dự án lên đến hơn 150 triệu USD, là dự án đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo phong cách Terrace Building (nhà cao tầng có sân vườn trên cao) - một phong cách rất được ưa chuộng tại các thành phố lớn như New York, Chicago...  Dự án được thiết kế bởi Ove Arup Hongkong kết hợp với Nagecco (Bộ Xây dựng) và được tài trợ vốn bởi Ngân hàng Đông Á. Nhà mẫu Richland Hill dự kiến sẽ được khai trương vào hè năm 2008 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011. Mới đây, khi phóng viên ĐTCK trở lại dự án này, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống, xung quanh được rào chắn, còn bên trong ngổn ngang hầm sâu cùng sắt thép vương vãi.

Khu Nam Sài Gòn có khá nhiều dự án căn hộ cao cấp quy mô lớn, nhưng thực trạng ở đây theo khảo sát của phóng viên ĐTCK hiện vẫn còn nhiều dự án đang ngổn ngang và yên lặng. Dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ (nối quận 7 với huyện Nhà Bè), hàng loạt dự án căn hộ cao cấp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đơn cử như Kenton Residences, dự án từng được nhắc đến là "thiên đường nhiệt đới" trong lòng thành phố, với quy mô diện tích hơn  90.000 m2, kế hoạch sẽ xây dựng thành 9 bolck với 1.640 căn hộ. Song, dù đã khởi công nhiều năm, đến nay dự án này vẫn mới chỉ xây được vài block nhưng chưa hoàn thiện. Tương tự, nhiều dự án căn hộ tại các quận, huyện khác cũng như vậy. Tại quận Tân Phú, có các dự án căn hộ như Đại Thành, Hiệp Tân, 584 Lilama-SHB Town; huyện Bình Chánh có dự án Tân Kiên Bình Chánh…

 

Sẽ có nhiều vụ tranh chấp như Dự án Quốc Cường Gia Lai 1?

Giới kinh doanh địa ốc cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ đầu 2011, khi chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng thì việc nhiều dự án bị chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi. Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACBR cho rằng, thời điểm khởi công rộ lên nhiều nhất của các dự án căn hộ ở TP. HCM  là từ năm 2008 - 2009. Như vậy, đến cuối năm 2011 và bước sang năm 2012 mới chính là thời gian đỉnh điểm đến hẹn nhiều dự án phải bàn giao nhà cho khách hàng. Song, quan sát phần lớn các dự án thời gian qua cho thấy, tiến độ xây dựng rất chậm, thậm chí có dự án dường như "bất động", vì vậy khả năng nhiều dự án bàn giao nhà không đúng cam kết và khả năng tranh chấp là điều sẽ diễn ra.

"Một thực tế lâu nay là nhiều doanh nghiệp địa ốc khi đầu tư một dự án, nguồn vốn tự có chỉ khoảng 15 đến 20%, phần còn lại chủ yếu là vay ngân hàng và huy động tiền từ khách hàng", ông Hải đánh giá và cho biết thêm, trước đây khi thị trường bất động sản sôi động, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng xong phần móng là có thể huy động tiền của khách hàng để tiếp tục xây phần còn lại. Còn thời gian qua, khả năng huy động vốn khách hàng rất khó vì thị trường ngưng trệ, ngân hàng thì hạn chế cho vay. Vì vậy, sẽ có nhiều dự án chậm bàn giao nhà, thậm chí không có khả năng bàn giao nhà, đặc biệt là đối với dự án căn hộ cao cấp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, tuy chưa có một thống kê chính thức có bao nhiêu dự án sẽ chậm bàn giao, nhưng sẽ không ít. Điều này đang đặt các chủ đầu tư trước áp lực khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng. Có 2 khả năng khách hàng sẽ khiếu nại chủ đầu tư. Thứ nhất là kiện đòi lãi phạt chậm bàn giao căn hộ như trường hợp Dự án Quốc Cường Gia Lai 1, nếu hợp đồng có đề cập. Thứ hai là khách hàng sẽ lấy cớ dự án chậm tiến độ để hủy hợp đồng. Nếu khả năng này xảy ra, nhiều chủ đầu tư sẽ khốn đốn, vì lấy đâu ra tiền để trả cho khách hàng.

 

Cốt lõi là cách ứng xử

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real cho rằng, khó khăn hiện nay là khó khăn chung và bản thân các doanh nghiệp lẫn khách hàng đều không ai mong muốn. Song, vấn đề cốt lõi là cách ứng xử của các chủ đầu tư như thế nào để khi gặp khó khăn, vẫn nhận được thông cảm và chia sẻ của khách hàng. "Việc gần đây, nhiều khách hàng căn cứ vào hợp đồng để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trả lãi phạt do chậm bàn giao nhà chính là hiện tượng "gậy ông đập lưng ông" mà các chủ đầu tư tạo ra. Bởi từ trước đến nay, trong các thương vụ mua bán căn hộ, bao giờ khách hàng cũng là người chịu thiệt. Nội dung hợp đồng hoàn toàn do chủ đầu tư tự soạn mà khách hàng chỉ có thể quyết định mua hoặc không mua chứ không có quyền thay đổi", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, việc chậm bàn giao nhà cho khách hàng không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng nếu chủ đầu tư không biết ứng xử để xoa dịu khách hàng thì rất dễ dẫn đến tranh chấp. 

Ông Lộc dẫn chứng, ngoài vụ lùm xùm giữa cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 với chủ đầu tư về lãi phạt do chủ đầu tư chậm giao nhà, mới đây, tại dự án Carina trên đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. HCM cũng xảy ra tranh chấp. Dự án này chậm bàn giao nhà hơn 6 tháng cho khách hàng, nhưng khi khách hàng yêu cầu chủ đầu tư trả tiền lãi phạt theo hợp đồng, thay vì có cách giải quyết hợp lý, hợp tình, chủ đầu tư đã yêu cầu khách hàng chấm dứt hợp đồng. Trong khi đó, Dự án căn hộ cao cấp Saigon Pearl do Công ty TNHH Vietnam Land SSG làm chủ đầu tư chậm tiến độ tới 1 năm. Tuy nhiên, để đền bù khoảng thời gian chậm bàn giao nhà cho khách hàng, chủ đầu tư đã đưa ra phương án miễn một năm phí quản lý chung cư cho khách hàng. Cách giải quyết này đã được khách hàng đồng thuận.